Trước mắt, 6 tỉnh, thành phố - gồm Hà Nội, TPHCM, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ - đặt mục tiêu đến hết năm 2021, tất cả các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế trên địa bàn đều sử dụng hóa đơn điện tử.

Doanh nghiệp tiến tới sử dụng hóa đơn điện tử trước ngày 30/6/2022 | Ảnh: HNN
Doanh nghiệp tiến tới sử dụng hóa đơn điện tử trước ngày 30/6/2022 | Ảnh: HNN

Trong Hội nghị toàn quốc về tình hình triển khai hóa đơn điện tử ngày 21/11, Bộ Tài chính đã chính thức kích hoạt hệ thống hóa đơn điện tử theo quy định mới tại 6 tỉnh thành Hà Nội, TPHCM, Bình Định, Quảng Ninh, Hải Phòng và Phú Thọ từ tháng 11/2021.

Giai đoạn 2 từ tháng 4/2022 sẽ thực hiện tại 57 địa phương còn lại, đảm bảo đến ngày 30/6/2022, tất cả doanh nghiệp trên toàn quốc áp dụng hóa đơn điện tử.

Theo Phó thủ tướng Lê Minh Khái, việc triển khai hệ thống hóa đơn điện tử là một trong những giải pháp quan trọng góp phần thúc đẩy chuyển đổi số quốc gia, phát triển kinh tế số, xã hội số.

Hóa đơn điện tử sẽ mang lại nhiều lợi ích làm giảm thời gian, chi phí về hóa đơn cho doanh nghiệp, hạn chế các hành vi gian lận so với khi dùng hóa đơn giấy (hóa đơn đặt in, hóa đơn tự in). Toàn bộ dữ liệu hóa đơn điện tử sẽ được kết nối tự động với các phần mềm khai thuế và gửi đến cơ quan thuế. Thông qua yêu càu dịch vụ, người bán, người mua hàng có thể tự tra cứu, đối chiếu dữ liệu của hóa đơn với dữ liệu được quản lý tại cơ quan thuế.

Trước thời điểm kích hoạt này, hóa đơn điện tử đã được triển khai ở Hà Nội với hơn 99% số doanh nghiệp, tổ chức thông báo đã phát hành hóa đơn điện tử, trong đó 65% doanh nghiệp đã sử dụng hóa đơn điện tử.

Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết: "Sáu tỉnh triển khai hóa đơn điện tử trong giai đoạn 1 chiếm tỷ lệ tới 60 - 70% số lượng hóa đơn mà các tổ chức, cá nhân đang sử dụng trên toàn quốc, vì vậy, nếu triển khai thành công sẽ góp phần thực hiện thắng lợi ở các địa phương còn lại".

Trên thực tế, hóa đơn điện tử đã được triển khai từ hơn chục năm nay và có khoảng 550.000 doanh nghiệp trên cả nước đã áp dụng. Tuy nhiên, hóa đơn điện tử theo quy định cũ không theo chuẩn định dạng chung nên không thể kết nối, chia sẻ dữ liệu với cơ quan thuế.

Hóa đơn điện tử triển khai đồng loạt lần này sẽ khắc phục được những khuyết điểm đó, bao gồm cả việc lập thông tin định danh của người nộp thuế và gửi hóa đơn có mã/không có mã của cơ quan thuế theo thời gian thực hoặc trong ngày. Hệ thống này có khả năng xử lý hàng nghìn giao dịch theo thời gian thực và xử lý khối lượng 6,4 tỷ hoá đơn mỗi năm.

Tổng cục Thuế cũng đã đánh giá và lựa chọn 8 đơn vị đầu tiên để cung cấp dịch vụ truyền nhận, lưu trữ dữ liệu hóa đơn giai đoạn đầu. Cơ quan này cho biết các doanh nghiệp đang tồn số lượng lớn hóa đơn giấy có thể làm việc với các sở thuế để được xử lý chuyển đổi lên điện tử.