Decathlon vừa kí biên bản ghi nhớ về việc tham gia hai dự án lớn của Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức GIZ nhằm bảo vệ khí hậu và thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành dệt may.

Một công ty may mặc ở Thái Bình tham gia chương trình cải thiện hiệu suất môi trường của dự án FABRIC/GIZ
Một công ty may mặc ở Thái Bình tham gia chương trình cải thiện hiệu suất môi trường của dự án FABRIC. Nguồn: GIZ

Decathlon là hãng bán lẻ các sản phẩm thời trang và dụng cụ thể thao của Pháp. Có mặt ở Việt Nam từ năm 1995, thương hiệu này hiện có hơn 100 đối tác là các nhà máy, chủ yếu sản xuất quần áo và giày dép.

Việt Nam được coi là một thị trường có vị trí chiến lược quan trọng của Decathlon với khối lượng sản xuất lớn thứ hai, sau Trung Quốc. Công ty cho biết, khoảng 63% đồ thể thao Decathlon sản xuất tại Việt Nam được xuất sang châu Âu.

Theo biên bản ghi nhớ kỳ ngày 28/2 giữa hai bên, Decathlon cam kết sẽ tham gia vào hai dự án lớn của GIZ là Bảo vệ Khí hậu thông qua Phát triển thị trường năng lượng sinh học bền vững ở Việt Nam (BEM) và Thúc đẩy phát triển bền vững trong ngành dệt may tại châu Á (FABRIC).

Dự án BEM/GIZ thúc dẩy việc sử dụng nguồn sinh khối bền vững cho sản xuất điện và nhiệt ở Việt Nam. Nguồn: GIZ
Dự án BEM thúc dẩy việc sử dụng nguồn sinh khối bền vững cho sản xuất điện và nhiệt ở Việt Nam. Nguồn: GIZ

Cụ thể, Decathlon sẽ cung cấp cho các nhà máy đối tác các khóa đào tạo về tăng cường sử dụng năng lượng sinh học và nguồn năng lượng tái tạo khác, đồng thời hỗ trợ các nghiên cứu về chuỗi cung ứng sinh khối. Sau đó, Decathlon sẽ chia sẻ các bài học thành công từ việc hợp tác với GIZ với các nhãn hàng trong nước và quốc tế tại các diễn đàn liên quan, đặc biệt là cách thức mà công ty thúc đẩy việc phát triển bền vững trong chuỗi cung ứng.

"Bằng việc hợp tác với dự án của GIZ, đến năm 2025, Decathlon có thể sử dụng 100% nguyên liệu sinh khối để cung cấp điện và nhiệt cho việc sản xuất, và trở thành công ty tiên phong sử dụng sinh khối bền vững trong ngành công nghiệp dệt may", ông Jérémie Piolet, Giám đốc Phát triển bền vững của Decathlon Việt Nam, cho biết.

Việt Nam là một trong những quốc gia đi đầu trong sản xuất dệt may nhưng sự phát triển này sẽ trở thành gánh nặng cho môi trường trong tương lai nếu quy trình sản xuất của ngành sản xuất dệt may vẫn phụ thuộc nhiều vào than và dầu mỏ.

Trên toàn cầu, phát thải khí CO2 trong quá trình sản xuất và chuỗi cung ứng thời trang là một mối quan tâm lớn. Các nhà máy sản xuất hàng may mặc tại những nước "công xưởng" như Việt Nam có thể phải hứng chịu các rủi ro về gián đoạn chuỗi cung ứng khi giá năng lượng và điện nước tăng cao, hoặc phải đáp ứng nhu cầu ngày càng lớn đối với những sản phẩm thân thiện với môi trường.