Sáng 2/6, Bộ Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đã tổ chức cuộc họp về các Chương trình nghiên cứu KH&CN trọng điểm quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.

Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt ở Đồng bằng sông Cửu Long | Ảnh: TNMT
Tác động của biến đổi khí hậu ngày càng rõ rệt ở Đồng bằng sông Cửu Long | Ảnh: TNMT

Từ các kết quả của giai đoạn 2016-2020, cơ quan quản lý môi trường này cho rằng cần phải đẩy mạnh việc thực hiện các công trình nghiên cứu khoa học có trọng tâm, và đề xuất 4 chương trình - 2 chương trình do Bộ TN&MT chủ trì và 2 chương trình do Bộ KH&CN chủ trì - đó là:

• Chương trình “Nghiên cứu KH&CN phục vụ bảo vệ môi trường, sử dụng hợp lý tài nguyên, thích ứng với Biến đổi khí hậu và phát triển bền vững” với mục tiêu cung cấp luận cứ khoa học nhằm hoàn thiện cơ chế chính sách và công cụ kinh tế liên quan; đồng thời chuyển giao các giải pháp thích ứng phù hợp tại vùng ĐBSCL và một số khu vực trọng điểm.

• Chương trình “Nghiên cứu ứng dụng công nghệ viễn thám phục vụ phát triển kinh tế xã hội và quốc phòng-an ninh giai đoạn 2021-2025” với mục tiêu làm chủ một số thiết bị, dữ liệu và ứng dụng viễn thám phục vụ cho hoạt động kinh tế-xã hội và quốc phòng-an ninh.

• Chương trình khoa học và công nghệ cấp quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển và hải đảo giai đoạn 2021-2025.

• Đề án nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ định hướng cho công tác điều tra cơ bản tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trước bối cảnh thách thức mới nổi về an ninh môi trường biển giai đoạn 2021-2025.

Là một nước đang chịu ảnh hưởng mạnh của các vấn đề môi trường, Việt Nam cần sớm chuyển đổi một loạt mô hình theo hướng bền vững hơn và tăng trưởng dựa trên KH&CN. Các chương trình trọng điểm quốc gia đề cập ở trên được kì vọng sẽ giúp đất nước sẵn sàng bước vào giai đoạn mới, khi “vấn đề môi trường phải đóng vai trò dẫn dắt cho mô hình phát triển kinh tế, xã hội", như có lần Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà từng nhận định.