Với 58 giống được chọn tạo bằng việc ứng dụng năng lượng bức xạ, Việt Nam đứng thứ tư châu Á, sau Trung Quốc, Nhật Bản, Ấn Độ trong việc ứng dụng năng lượng bức xạ vào chọn tạo giống.

Trong số đó, có 30 giống lúa đột biến, tiêu biểu nhất là các giống DT10, A20, DT11, DT22, khang dân đột biến... đã được chọn tạo thành công với các ưu điểm năng suất cao, khả năng chịu sâu bệnh tốt, góp phần giúp Việt Nam đảm bảo an ninh lương thực, xuất khẩu gạo. Tuy nhiên, có thể thấy rõ những gì đạt được chưa tương xứng với tiềm năng.

Thực tế trong việc chọn tạo giống lúa, tuy Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất (phòng thí nghiệm, đồng ruộng) và kinh phí, song mức đầu tư còn dàn trải phân tán, không đủ để tạo nên những đột phá trong nghiên cứu chọn tạo giống mới - nhất là chưa có các trang thiết bị chuyên dụng cho các đối tượng cây trồng cụ thể.

GS-TSKH Trần Duy Quý - Viện Nghiên cứu hợp tác khoa học kỹ thuật châu Á - TBD.
Ảnh: Loan Lê

Hiện việc chọn tạo giống bằng phương pháp chiếu xạ phải nhờ các trung tâm chiếu xạ đa năng ở Cầu Diễn, Hà Nội, các bệnh viện ung thư, Viện Hạt nhân ở Đà Lạt, các cơ sở chiếu xạ ở nước ngoài. Vì thế thời gian, các thông số kỹ thuật lúc chiếu xạ không được đảm bảo như các nước tiên tiến đang áp dụng. Trong khi đó, Trung tâm Chọn giống đột biến được Chính phủ giao Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng tại Viện Di truyền nông nghiệp vẫn chưa được triển khai.

Tôi cho rằng để Việt Nam chủ động tạo ra các giống lúa cao sản, chất lượng tốt hơn các giống lai nhập ngoại, Nhà nước cần tạo ra một chương trình cấp nhà nước với phần nông nghiệp có nhiều đề tài hơn. Chương trình KC05 ứng dụng kỹ thuật hạt nhân đang được thực hiện, nhưng mới chỉ có 2 đề tài nên không phủ hết được các mục tiêu chọn tạo giống lúa.

Cùng với đó, Nhà nước cần lựa chọn sản phẩm chủ lực, sau đó đặt hàng, khoán gọn cho các nhà khoa học bằng các nhiệm vụ trọn gói nhằm tạo ra được sản phẩm cuối cùng là các giống lúa thuần và lúa lai Việt Nam có suất siêu cao, chất lượng tốt, chống chịu sâu bệnh và điều kiện bất thuận của môi trường.

Người Nhật Bản tính toán, cứ 1USD đầu tư vào ứng dụng hạt nhân trong nông nghiệp sẽ tạo ra 1.000USD. Vì vậy tôi tin với Việt Nam nếu đầu tư chọn lọc, có trọng tâm, trọng điểm chắc chắn việc chọn tạo giống cây trồng bằng phương pháp đột biến sẽ mang lại những kết quả đáng trân trọng.