Hơn 100 doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực khác nhau đã tham gia các khóa đào tạo nâng cao năng lực triển khai các mô hình kinh tế tuần hoàn do UNDP và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam hợp tác tổ chức.

Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, TP Hải Phòng đã học hỏi mô hình Mạng lưới Ecotown của TP Kitakyushu (Nhật Bản) để xây dựng khu công nghiệp sinh thái của người Việt, hướng đến áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn | Ảnh: Shinec
Khu công nghiệp Nam Cầu Kiền, TP Hải Phòng, đã học hỏi mô hình Mạng lưới Ecotown của TP Kitakyushu (Nhật Bản) để xây dựng khu công nghiệp sinh thái của người Việt, hướng đến áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn | Ảnh: Shinec

Ngày 30/6, tại Hà Nội, Viện Chính sách Kinh tế môi trường (EEPI) đã tiến hành khóa đào tạo kéo dài 3 ngày nhằm xây dựng năng lực kinh tế tuần hoàn cho doanh nghiệp tại miền Bắc.

Đây là khóa đào tạo thứ ba trong khuôn khổ của Chương trình Tăng cường năng lực về kinh tế tuần hoàn cho các doanh nghiệp ở Việt Nam (#CECapacityBuilding) do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) và Đại sứ quán Hà Lan tại Việt Nam hợp tác tổ chức.

Trước đó, hai khóa đào tạo tương tự đã được triển khai ở TPHCM bởi Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế tuần hoàn (ICED) từ ngày 22-24/6 và ở Thừa Thiên Huế bởi Trung tâm Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Thừa Thiên Huế (Hue Innovation Hub) từ ngày 27 - 29/6.

Nội dung các khóa đào tạo hướng đến kiến thức về kinh tế tuần hoàn, các chính sách của chính phủ về phát triển kinh tế tuần hoàn và các yêu cầu về thương mại bền vững của các Hiệp định Thương mại tự do châu Âu – Việt Nam (EVFTA).

Bên cạnh đó, doanh nghiệp cũng được tập huấn về cách thiết kế các mô hình kinh tế tuần hoàn cho công ty và được cung cấp những công cụ hỗ trợ cho việc lập kế hoạch, xây dựng mô hình và chuyển đổi các hoạt động của công ty theo nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn.

Đặc biệt, trong khóa đào tạo còn có chương trình tham quan mô hình kinh tế tuần hoàn tại Khu Công nghiệp Nam Cầu Kiên, TP. Hải Phòng.

Ban tổ chức cho biết, các khóa đào tạo đã thu hút được tổng cộng hơn 100 doanh nghiệp đến từ các ngành nghề khác nhau như nông nghiệp, sản xuất nhựa, môi trường, xử lý chất thải, vật liệu xây dựng, dược phẩm, thực phẩm, thời trang, thương mại…

Sau các khóa đào tạo này, ban tổ chức sẽ chọn ra 3-4 doanh nghiệp sẵn sàng và có cam kết rõ ràng trong việc áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn để tham gia chương trình hỗ trợ sau đào tạo từ tháng 7-11/2022 với sự cố vấn trực tiếp của các chuyên gia.

Đưa mô hình vào đời sống

Năm 2022, Việt Nam đã chính thức triển khai Đề án Phát triển kinh tế tuần hoàn, đưa các mô hình kinh tế tuần hoàn vào đời sống nhằm cắt giảm 15% khí nhà kính vào năm 2030 và hướng tới mục tiêu Net Zero vào năm 2050; đồng thời đẩy mạnh các hoạt động phân loại, tái chế, tái sử dụng các loại rác thải nhựa, rác thải rắn và nước thải ở nhiều lĩnh vực từ 50-100%.

Đối với khu vực doanh nghiệp, kinh tế tuần hoàn là một khái niệm mới. Đa phần các doanh nghiệp trong nước vẫn hoạt động theo mô hình kinh tế tuyến tính truyền thống - tức khai thác tài nguyên, sử dụng và loại bỏ chất thải ra môi trường.

Trong khi đó, kinh tế tuần hoàn cho phép thu hồi nguyên vật liệu thừa và chất thải để quay lại hệ thống. Nói cách khác, các mô hình của chúng chúng vận hành theo dạng "đầu ra của doanh nghiệp này là đầu vào của doanh nghiệp khác".

Một số khu công nghiệp đã bắt đầu rục rịch chuyển sang mô hình này. Với diện tích hơn 260ha, khu công nghiệp Nam Cầu Kiên, TP. Hải Phòng, đang được coi là một trong những đơn vị tiên phong áp dụng mô hình kinh tế tuần hoàn khi đã xây dựng được 3 hệ sinh thái doanh nghiệp cộng sinh tuần hoàn về ngành thép, ngành nhựa, ngành công nghiệp phụ trợ và đang có kế hoạch xây dựng hệ sinh thái cộng sinh thứ tư về năng lượng điện mặt trời trong 1-2 năm tới.

Đại diện khu công nghiệp cho biết gần như các doanh nghiệp của họ không phải xả thải ra bên ngoài môi trường. Chẳng hạn, hệ sinh thái ngành thép gồm nhà máy luyện thép Việt-Nhật và 18 doanh nghiệp giải quyết các kênh từ đầu vào đến đầu ra; trong đó những phụ phẩm như xỉ thép được một doanh nghiệp xử lý và phân loại, đem các phần thép nhiễm từ tính bán cho nhà máy sản xuất nam châm, phần chứa nhiều oxit sắt bán cho các nhà máy xi măng làm phụ gia, phần chứa phi kim đem đi tái chế, và các phần còn lại chế biến thành vật liệu san lấp theo quy định của Bộ Xây dựng. Nước thải của những nhà máy này được xử lý để dùng cho việc thau rửa đường, tưới cây... trong khu công nghiệp và thậm chí có thể được tuần hoàn để tái sử dụng trong sản xuất.

Những mô hình kinh tế tuần hoàn như vậy đặc biệt hữu ích với các công ty xuất nhập khẩu muốn vượt qua những hàng rào kỹ thuật và thuế quan khi Việt Nam tham gia vào các FTA.

Tuy nhiên, tại buổi đào tạo ở Hà Nội, nhiều doanh nghiệp và khu công nghiệp cũng phản ảnh, họ vẫn gặp một số rào cản khi tiếp cận mô hình kinh tế tuần hoàn, chẳng hạn như thiếu năng lực triển khai, thiếu liên kết hoặc không tìm được các đối tác 'tái chế' thích hợp, chi phí đầu tư cao mà chưa có nhiều chính sách hỗ trợ, hoặc không có các hướng dẫn cụ thể trong quá trình đánh giá và chứng nhận mô hình kinh tế tuần hoàn.