Thay bóng đèn LED trên đường phố, cải tạo công trình cũ, thay đổi các phương tiện giao thông, xử lý nước thải,… là những giải pháp đang được thành phố Aarhus (Đan Mạch) thực hiện nhằm hướng tới một thành phố không dùng năng lượng hóa thạch và phát triển bền vững.

Những giải pháp này được ông Mogens BjØrn Nielsen, Giám đốc Sở Kỹ thuật và Môi trường thành phố Aarhus chia sẻ tại Hội thảo “Giải pháp thành phố bền vững – từ chính sách đến hành động” được tổ chức ngày 14/12 tại TPHCM.

Sự kiện này do Trường Đại học Kiến trúc TPHCM kết hợp với Đại sứ quán Đan Mạch tổ chức trong khuôn khổ sự kiện “Tuần Đan Mạch – Các giải pháp thành phố bền vững”.

Ông Mogens BjØrn Nielsen cho biết, Aarhus là thành phố nhỏ, chỉ có 1,3 triệu dân, nhưng có cách đây 1200 năm.

Chính quyền thành phố đã xây dựng những chính sách để có một thành phố lành mạnh như: người dân như được sử dựng nguồn nước sạch với chi phí thấp, đạt hàm lượng CO2 trung tính vào năm 2030,… Trong đó, Aarhus tập trung vào việc làm thế nào để quy hoạch tổng thể thành phố đảm bảo sự phát triển bền vững về các mặt sinh thái, xã hội và kinh tế.

o
Ông Mogens BjØrn Nielsen,Giám đốc Sở Kỹ thuật và Môi trường TP Aarhus

Theo đó, Aarhus đưa ra mục tiêu phải tạo ra được nhiều khu vực thiên nhiên đa dạng và dễ tiếp cận, giữ gìn nguồn nước sạch, đạt hàm lượng CO2 trung tính vào năm 2030 và hướng tới thành phố không dùng năng lượng hóa thạch.

Để thực hiện được mục tiêu, Aarhus đã thay thế 29.000 bóng đèn dùng hơi thủy ngân thành các bóng đèn led trong hai năm. Điều này đã giúp giảm được 35% tổng điện năng tiêu thụ cho chiếu sáng đường phố. Ngoài ra, thành phố cũng cho cải tạo lại, cải tiến về năng lượng ở những công trình cũ, giúp giảm 30% phát thải CO2 và tiết kiệm được 25% năng lượng sử dụng.

Để giảm bớt lượng ô tô đi trong thành phố, Aarhus cho xây dựng những tuyến đường sắt công cộng, thay đổi công nghệ trong các phương tiện giao thông, ưu tiên sử dụng xe đạp.

Xử lý nước thải và nước chảy tràn cũng là vấn đề được chính quyền thành phố quan tâm đầu tư cho các công trình hạ tầng. Đường ống nước thải được tách riêng với hệ hệ thống thoát nước mưa để thích ứng với các điều kiện khí hậu, các dòng sông cũng được làm sạch. Các nhà máy xử lý nước thải được đầu tư công nghệ để có thể làm sạch nước thải và tạo ra năng lượng.

Các nhà máy xử lý nước thải của thành phố Aarhus tạo ra lượng điện nhiều hơn 50% so với nhu cầu sử dụng và tạo ra 2.5GW nhiệt cho thành phố vào mùa đông.

A
Xe đạp được ưu tiên sử dụng ở TP Aarhus.

Ngoài ra, Aarhus cũng sử dụng các công nghệ tiên tiến, giải pháp nhằm tiết kiệm và giảm lượng nước thất thoát như: lắp đặt tất cả các đồng hồ đo tại tất cả các nơi có sử dụng nước; xử phạt kinh tế nếu để mức thất thoát vượt quá 10% lượng nước sản xuất ra, thay thế các đường ống,… Nhờ những giải pháp đó, đến nay lượng nước thất thoát ở Aarhus chỉ còn từ 5 - 7%.

Ông Mogens BjØrn Nielsen cho rằng, thành phố Aarhus cũng có những thách thức giống TPHCM như ngập lụt, xâm nhập mặn, sụt lún mặt đất,… Vì vậy, những kinh nghiệm của thành phố Aarhus, TPHCM có thể tham khảo để áp dụng.

Theo ông Trần Khánh Trung - Chủ nhiệm Câu lạc bộ Kiến trúc Xanh TPHCM, Việt Nam nói chung và TPHCM nói riêng còn gặp khá nhiều khó khăn trong việc xây dựng những công trình xanh. Đó là nhận thức của cộng đồng về môi trường còn thấp; chưa đẩy mạnh xây dựng các hệ thống hạ tầng để phục vụ cho sự phát triển công trình xanh; truyền thông chưa đồng bộ trong thúc đẩy và phát triển các công trình xanh…

Vì vậy, theo ông Trung việc nâng cao nhận thức cho cộng đồng là yếu tố quyết định trong việc phát triển các công trình xanh tại Việt Nam. Đồng thời, tìm ra được những thuận lợi từ những khó khăn do chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu tìm ra các giải pháp cụ thể để phát triển.