Đại sứ khoa học của Tổng thống Obama, kiêm chủ tịch Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học (AAAS) đã đến thăm tổ chức học tập cộng đồng (Fablab Đà Nẵng).

Chiều ngày 7/12/2015, trong chuyến thăm Đà Nẵng, bà Tiến sĩ Geri Richmond, Đại sứ khoa học của Tổng thống Obama, kiêm chủ tịch Hiệp hội Mỹ vì sự tiến bộ của khoa học (AAAS) đã đến thăm tổ chức học tập cộng đồng (Fablab Đà Nẵng) và tìm hiểu về các sáng kiến LDM (học qua sáng chế số) của Fablab.

Theo Đại sứ, Tiến sĩ Geri Richmond, bà đến thăm Fablab Đà Nẵng để hiểu thêm các sáng kiến LDM (học qua sáng chế số) của Fablab về nhiều chủ đề như khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán và kinh doanh gắn liền với các môn học phổ thông như lý, hóa, toán, năng khiếu, tiếng Anh...

Tại đây, bà Đại sứ cũng đã có hoạt động giao lưu và hướng dẫn 15 học sinh thực hiện các thí nghiệm khoa học đồng thời chia sẻ về những thách thức, cơ hội, thuận lợi và truyền cho các em học sinh cảm hứng, niềm say mê ngành khoa học, kỹ thuật.

Tiến sĩ Geri Richmond truyền cảm hứng, đam mê khoa học cho các em học sinh Đà Nẵng.

Bà Đại sứ tỏ ra thích thú với khả năng sáng tạo của các em nhỏ và hy vọng mô hình sẽ giúp các em phát triển khả năng sáng tạo và tư duy kỹ thuật.

Bà Đại sứ khoa học thích thú với những sản phẩm công nghệ của các em học sinh tại Fablab Đà Nẵng.

Được biết, trong thời gian qua, bà đã đến nhiều nơi trên thế giới, trong đó có Việt Nam để làm việc với nhiều ban ngành và các trường đại học khác nhau nhằm tìm hiểu, hỗ trợ và thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực khoa học cũng như khuyến khích giới trẻ yêu và đam mê khoa học.

Cũng trong chuyến đi này, bà Geri mong muốn tìm kiếm khả năng thúc đẩy hợp tác giữa khoa học tự nhiên và khoa học xã hội cũng như tìm kiếm cơ hội hợp tác trong việc nâng cao năng lực cho cán bộ khoa học nữ. Đây là chuỗi sự kiện thúc đẩy sáng tạo mà Hoa Kỳ đang hỗ trợ Việt Nam.

Tiến sĩ Nguyễn Bá Hội, đồng sáng lập Fablab Đà Nẵng chia sẻ với thành viên đoàn công tác của Tiến sĩ Geri Richmond

Fablab là mô hình học tập cộng đồng được thành lập dưới sự điều hành của Viện Nghiên cứu và Đào tạo Việt-Anh, Đại học Đà Nẵng. Và đây là Fablab thứ 2 ở Việt Nam, sau Fablab Sài Gòn.
Fablab là một xưởng chế tạo quy mô nhỏ nhằm phục vụ cho việc chế tạo bằng kỹ thuật số của cá nhân. Fablab cung cấp những thiết bị, phần mềm, không gian làm việc cộng tác, và hướng dẫn để có thể “chế tạo số” các mẫu thử, dự án thực tế liên quan trực tiếp đến lý thuyết trong trường học nhằm khơi dậy khả năng tư duy, sáng tạo của trẻ em thông qua hoạt động cơ khí, chế tác bằng công nghệ kỹ thuật số, kết hợp với học tiếng Anh. Sáng kiến LDM là chương trình đầu tiên trong chuỗi sáng kiến Gofab (học thú vị, học hiểu tường tận) của Fablab Đà Nẵng.
Mô hình Fablab đầu tiên xuất hiện tại Viện công nghệ MIT (Hoa Kỳ) vào năm 2001 và hiện nay đã có hơn 400 Fablab trên toàn thế giới.
Việc đưa Fablab Đà Nẵng vào vận hành sẽ thúc đẩy sự khám phá, sáng tạo và nghiên cứu của học sinh, sinh viên trên địa bàn thành phố trên các lĩnh vực dạy và học tập trực tuyến, các dự án robot... với sự hỗ trợ của Fablab.
Trong thời gian tới, Fablab Đà Nẵng và Fisher Super Kids, hệ thống chất lượng cao Skyline đã ký kết hợp tác để triển khai các hoạt động giúp các em phát triển kỹ năng và thêm kiến thức khoa học, công nghệ, kỹ thuật, nghệ thuật, toán và kinh doanh cho khoảng 3000 học sinh tại Đà Nẵng.