Các giảng viên Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã ứng dụng công nghệ 3D để tạo ra cơ thể ảo hoàn chỉnh với những chi tiết hoàn toàn giống người thật; phát hiện giống cây cao nhất thế giới... là những tin khoa học nổi bật ngày 20/11.

Đại học Duy Tân dạy giải phẫu trên mô hình cơ thể ảo

Các giảng viên Đại học Duy Tân (Đà Nẵng) đã ứng dụng công nghệ 3D để tạo ra cơ thể người ảo hoàn chỉnh với những chi tiết toàn toàn giống người thật. Hệ thống này gồm khối tương tác 3 chiều là mô hình cơ thể ảo cho phép người sử dụng thực hiện các thao tác giải phẫu thông qua dụng cụ giải phẫu ảo; khối giao diện người dùng 2 chiều cung cấp những thông tin phản hồi trực quan từ mô hình trong quá trình giải phẫu cũng như những thông tin hướng dẫn trong phiên đào tạo.
Mô hình này chạy được trên máy tính, thiết bị di động, xem được ở chế độ 2D, 3D, có dữ liệu mô tả và giải thích bằng song ngữ Việt-Anh, giúp sinh viên, giảng viên dễ dàng tra cứu, tự nghiên cứu về giải phẫu, chẩn đoán hình ảnh, có thể xem đi xem lại nhiều lần. Ngoài hỗ trợ giảng dạy, mô hình này còn có thể giúp luyện tay nghề cho cán bộ y tế tuyến dưới. (XEM THÊM)

Việc mô phỏng cơ thể người trong dạy học được kỳ vọng sẽ giúp giảm tải
cho các phòng thực hành. Ảnh: VGP

Panasonic cho ra mắt chiếc loa dịch tự động

Hãng điện tử Panasonic cho biết chiếc loa có khả năng tự động dịch từ tiếng Nhật Bản sang tiếng Anh, Trung Quốc và Hàn Quốc sẽ được hãng đưa ra thị trường từ tháng 12 năm nay. Chiếc loa này được cài sẵn 300 câu thường được sử dụng để nói với các hành khách. Khi người dùng nói vào loa, nó sẽ tự nhận biết ngữ cảnh để dịch ra tiếng Anh, Trung Quốc hoặc Hàn Quốc. Đại diện của Panasonic cho biết, sản phẩm trên sẽ được sử dụng tại những nơi công cộng như nhà ga, sân bay hay các địa điểm du lịch nổi tiếng. Nhắm tới khách hàng doanh nghiệp, hãng hy vọng sẽ ​tiêu thụ được khoảng 10.000 chiếc loa trong năm tài chính 2018. (XEM THÊM)

Chiếc loa đặc biệt của Panasonic. Nguồn: KYODO

Bệnh nhân ghép đầu sẽ làm quen với cơ thể mới bằng thực tế ảo

Hôm 18/11, tại Scotland, Giáo sư Sergio Canavero - người tuyên bố sẽ thực hiện ca ghép đầu đầu tiên trên thế giới - cho biết sẽ sử dụng hệ thống thực tế ảo để giúp bệnh nhân ghép đầu làm quen với cuộc sống trong cơ thể mới. Ông tin rằng việc ghép đầu sẽ giúp bệnh nhân bị liệt từ cổ trở xuống khôi phục khả năng di chuyển nhưng nếu thành công, "phản ứng tâm lý bất ngờ" sẽ xuất hiện ở bệnh nhân khi làm quen với cơ thể mới. Hệ thống thực tế ảo do Công ty Inventum Bioengineering Technologies của Mỹ chế tạo sẽ giúp họ tập chuyển động trong cơ thể khác. Bệnh nhân sẽ phải tham gia các buổi tập trong nhiều tháng trước khi ca phẫu thuật diễn ra. Bệnh nhân người Nga Valery Spiridonov, người tình nguyện tham gia ca phẫu thuật ghép đầu đầu tiên, cũng bày tỏ sự tin tưởng đối với công nghệ này. (XEM THÊM)

Công nghệ thực tế ảo giúp bệnh nhân ghép nối đầu luyện tập làm quen cơ thể mới. Ảnh: PA

Thiết bị biến nước tiểu thành nhiên liệu đun nấu

Gabriel Luna-Sandoval, nhà nghiên cứu tại Đại học Sonora, Mexico, đã tạo ra thiết bị Pin Nhiên liệu Nước tiểu (Urine Fuel Cell) có khả năng biến nước tiểu người thành khí sinh học (biogas). Khí biogas sẽ giúp sản xuất điện năng hoặc dùng để thay thế cho khí đốt tự nhiên. Luna-Sandoval cho biết với thiết bị này, 5 lít nước tiểu sẽ tạo ra 1 lít khí biogas. Mỗi người trung bình sản xuất khoảng 1,4 lít nước tiểu/ngày. Một hộ gia đình 4 người sẽ có đủ lượng nước tiểu cần thiết để sản xuất khí đốt phục vụ đun nấu. (XEM THÊM)

52% số người tiêu dùng trên thế giới sống dựa vào công nghệ mạng

Một cuộc khảo sát do công ty Nielson mới thực hiện tại Nga cho thấy đa số người Nga không thể hình dung nổi cuộc sống thiếu các thiết bị di động. Họ cảm thấy bất an nếu không có điện thoại di động trong tầm tay. Nielson cũng đã thực hiện một khảo sát khác có quy mô lớn tại 63 nước thuộc khu vực châu Á – Thái Bình dương, châu Âu, Cận Đông, châu Phi và Bắc Mỹ. Kết quả cho thấy tỷ lệ sống không thể thiếu công nghệ mạng thấp nhất ở Nga với 41%, tiếp đó là khu vực châu Á – Thái Bình dương với 60%. Tỷ lệ cao nhất (65%) là ở các nước châu Phi và khu vực Cận Đông. Tính trung bình trên thế giới, có tới 52% người tiêu dùng qua mạng thừa nhận mình “quá phụ thuộc” vào công nghệ mạng. (XEM THÊM)

Tính trung bình trên thế giới có tới 52% người dùng thừa nhận mình quá phụ thuộc vào công nghệ mạng.

Phát hiện giống cây cao nhất thế giới

Các nhà khoa học vừa phát hiện giống cây nhiệt đới cao nhất thế giới trên đảo Borneo với chiều cao 309 feet (94,1 mét), phá vỡ kỷ lục của cây meranti vàng (89,6 mét) mới lập trước đó 5 tháng. Các nhà khoa học đã sử dụng kỹ thuật Carnegie Airborne Observatory (CAO) để chụp 500.000 bức ảnh mỗi giây bằng tia laser từ máy bay. Kỹ thuật này giúp họ có cái nhìn chi tiết (theo dạng 3D) từ tán rừng xuống mặt đất.

Giống của loại cây nhiệt đới cao nhất hiện vẫn chưa được xác định. Hiện các nhà khoa học chỉ biết rằng những cây này này thuộc về chi Shorea (Shorea có khoảng 196 loài khác nhau). Các loài cây thuộc nhóm Shorea thường được phân bố ở phía đông nam châu Á, từ miền Bắc Ấn Độ đến Malaysia, Philippines và Indonesia. (XEM THÊM)


Lập kế hoạch đưa rác vũ trụ lên xử lý trên sao Hỏa

Tổng giám đốc Công ty Firefly Space Systems, ông Tom Markusic cho rằng đây là ý tưởng tốt nhất để thu dọn rác vũ trụ vì những người đầu tiên khai phá sao Hỏa trong tương lai có thể sử dụng rác vũ trụ để tái chế. Ngoài ra, ý tưởng này còn giúp làm sạch khoảng không gian gần Trái đất. Để thực hiện những dự án trên sao Hỏa, những cư dân đầu tiên từ Trái đất cần đến hàng chục vệ tinh đã qua sử dụng. Tom đề xuất kế hoạch dùng tàu vũ trụ đưa các thiết bị điện tử tự hành chạy bằng năng lượng Mặt trời để lai dắt các loại rác từ quỹ đạo Trái đất. Cách này có thể giúp giảm chi phí nhiên liệu để chuyển hàng lên quỹ đạo. Các thiết bị lai dắt đó sẽ chuyển rác vũ trụ lên sao Hỏa để chọn lọc và tái sử dụng. (XEM THÊM)

Theo NASA, hiện có trên nửa triệu các mảnh vỡ khác nhau đang bay quanh Trái đất.