Lộ trình của Đà Nẵng ưu tiên 7 lĩnh vực: quản lý chất thải rắn, nguyên liệu, năng lượng, khu công nghiệp sinh thái, tuần hoàn lương thực thực phẩm, tuần hoàn nước, và công dân tiêu dùng xanh.

Mô hình cá Bống khổng lồ thu gom rác thải nhựa tại bãi biển Mỹ Khê (Đà Nẵng)
Mô hình cá bống khổng lồ thu gom rác thải nhựa tại bãi biển Mỹ Khê, Đà Nẵng. Nguồn: TL

Ngày 26/8, tại Đà Nẵng, Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Đà Nẵng (DISED) và Chương trình phát triển Liên hợp quốc tại Việt Nam (UNDP) đã tổ chức Hội thảo công bố lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn của thành phố.

Theo đó, lộ trình được thực hiện đến năm 2030, theo ba giai đoạn:

* Khởi động (2022-2025): Nhấn mạnh đến công tác tuyên truyền, giáo dục nâng cao nhận thức, kiến thức, kỹ năng và chuẩn bị tiền đề ban đầu để bước vào giai đoạn tiếp theo.

* Phát triển (2025-2030): Bắt đầu hành động và triển khai các dự án thí điểm trong 7 lĩnh vực ưu tiên gồm: quản lý chất thải rắn; nguyên liệu; năng lượng; khu công nghiệp sinh thái; tuần hoàn lương thực thực phẩm; tuần hoàn nước và công dân tiêu dùng xanh.

* Chủ đạo (sau năm 2030): Kinh tế tuần hoàn trở thành xu hướng chủ đạo. Các dự án/chương trình thí điểm được đánh giá và mở rộng sang các ngành/lĩnh vực còn lại. Đến cuối năm 2045, thành phố cơ bản đạt được các tiêu chí của một thành phố tuần hoàn.

Đà Nẵng đặt ra một số mục tiêu cụ thể đến năm 2030 như: Có 2-3 khu công nghiệp sinh thái; 50 công trình xây mới thực hiện quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về các công trình sử dụng năng lượng hiệu quả; 85% chất thải rắn được xử lý bằng các công nghệ tiên tiến; 100% hộ dân thực hiện phân loại rác thải tại nguồn; xây dựng 2 nhà máy tái chế, compost; tạo ra 3.200-3.500 việc làm tạo ra từ các hoạt động dựa trên mô hình kinh tế tuần hoàn; tỷ lệ nội địa hóa sản phẩm tăng lên 20%; 100% số lượng sản phẩm của thành phố được dãn nhãn sinh thái, năng lượng…

Một nhóm trẻ em tham gia mô hình thu gom, phân loại rác vào dịp cuối tuần ở Đà Nẵng | Ảnh: Toquoc
Một nhóm trẻ em tham gia mô hình thu gom, phân loại rác vào dịp cuối tuần ở Đà Nẵng. Nguồn: TL

Với kế hoạch mới này, Đà Nẵng trở thành thành phố đầu tiên của Việt Nam xây dựng lộ trình phát triển kinh tế tuần hoàn và kì vọng dùng nó như một đòn bẩy để tạo ra một loạt các cơ hội mới cho việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng toàn diện.

Tại hội thảo, bà Caitlin Wiesen, Trưởng đại diện thường trú UNDP Việt Nam, nhận xét rằng, kinh tế tuần hoàn là sự lựa chọn của nhiều quốc gia để hướng đến phát triển bền vững và Đà Nẵng - với tư cách là một đô thị trẻ, năng động - có nhiều cơ hội để tiên phong. Việc theo đuổi kinh tế tuần hoàn cũng sẽ giúp thành phố quản lý bền vững nguồn tài nguyên thiên nhiên hơn.

Từ trước đến nay, trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đã có một số ngành/lĩnh vực kinh tế quan tâm đến việc thiết kế mô hình hoạt động theo nguyên tắc của kinh tế tuần hoàn như sản xuất gạch không nung, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Trong giai đoạn 2015-2019, Khu công nghiệp Hòa Khánh được lựa chọn để thí điểm xây dựng khu công nghiệp sinh thái.

Một nhà máy giấy ở Đà Nẵng có kế hoạch đầu tư cho đổi mới công nghệ để sản xuất sạch hơn
Một nhà bao bì máy ở Đà Nẵng có kế hoạch đầu tư cho đổi mới công nghệ để sản xuất sạch hơn. Nguồn: TL

Sở Tài nguyên và Môi trường cho biết, trên địa bàn thành phố đã có hơn 37 mô hình gắn với tiêu dùng xanh được triển khai thực hiện như: Thùng thu gom pin thải; Mái nhà xanh (lắp đặt tấm pin mặt trời); Điểm tập kết rác văn minh; Khu dân cư tự quản về môi trường; Tổ thân thiện môi trường; Thôn không rác; Trường học không rác...

Tuy nhiên, Đà Nẵng vẫn thường xuyên phải đối mặt với những thách thức như tình trạng khối lượng chất thải liên tục tăng nhưng không có phương án xử lý hiệu quả và không khai thác được giá trị kinh tế từ chất thải, tăng trưởng kinh tế không ổn định do ảnh hưởng bởi các rủi ro phi truyền thống, thất nghiệp, việc làm lương thấp,...