Đà Nẵng là thành phố 7 năm liền dẫn đầu cả nước về chỉ số sẵn sàng ứng dụng công nghệ thông tin (ICT Index). Tuy nhiên, trong lĩnh vực y tế, việc ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý điều hành của các bệnh viện, trung tâm y tế hầu như chỉ ở mức sơ khai.

Ứng dụng phần mềm quản lý tại các bệnh viện: "Mạnh ai nấy làm"

Theo các bệnh viện, trung tâm y tế trên địa bàn TP Đà Nẵng: Hiện nay, ngành y tế Đà Nẵng chưa có phần mềm dùng chung, vì vậy mỗi bệnh viện, trung tâm y tế đều sử dụng mỗi phần mềm riêng, trong đó không ít bệnh viện dùng đến 3, 4 phần mềm độc lập, không liên kết được với nhau trong suốt thời gian dài.

Đại diện Bệnh viện phục hồi chức năng Đà Nẵng cho biết, bệnh viện đang sử dụng nhiều phần mềm như: phần mềm quản lý tài chính, phần mềm quản lý bảo hiểm, phần mềm quản lý thuốc… tuy nhiên, các phần mềm không tích hợp được với nhau nên rất khó khăn trong việc quản lý. “Thực tế cho thấy sử dụng các phần mềm rời rạc trong bệnh viện gây ra nhiều bất cập, do đó cần thiết phải có một phần mềm dùng chung để tích hợp được tất cả tính năng của các phần mềm hiện đang sử dụng trong bệnh viện”, vị này nói.

Trong khi đó, đại diện Bệnh viện Nhi - Phụ sản Đà Nẵng cho rằng, đơn vị mới đưa phần mềm vào phục vụ công tác quản lý hồ sơ bệnh nhân từ năm 2014, nhưng cũng chỉ áp dụng để quản lý bệnh nhân điều trị ngoại trú, còn bệnh nhân điều trị nội trú, công tác quản lý thuốc vẫn chưa có phần mềm triển khai.

“Phần mềm do một doanh nghiệp tại TP. Hồ Chí Minh cung cấp nhưng đang trong giai đoạn hoàn thiện nên sử dụng thử nghiệm. Hơn nữa, phần mềm cũng chỉ áp dụng để quản lý một vài chức năng của bệnh viện nên chúng tôi rất mong muốn được trang bị phần mềm tích hợp với nhiều chức năng để công tác quản lý,vận hành được dễ dàng hơn”.

Đồng quan điểm trên, đại diện Bệnh viện đa khoa Đà Nẵng phân tích rằng, cần phải trang bị một phần mềm tích hợp được nhiều tính năng, nhiều tiêu chí để dễ dàng kết nối chia sẻ dữ liệu với các bệnh viện khác.

Tìm giải pháp cho ngành y tế

Nhằm tìm kiếm giải pháp CNTT cho ngành y tế Đà Nẵng trong thời gian tới, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng đã tổ chức cuộc họp với Công ty FPT vào chiều ngày 22/9/2015.

Cuộc họp giữa lãnh đạo TP Đà Nẵng và FPT chiều 22/9/2015.

Tại cuộc họp, Công ty FPT đưa ra 2 phương án để TP Đà Nẵng lựa chọn triển khai phần mềm ứng dụng CNTT trong ngành y tế. Theo phương án 1, FPT sẽ xây dựng phần mềm đáp ứng các yêu cầu quản lý theo “đặt hàng” của ngành y tế Đà Nẵng. Phần mềm có giá gần 70 tỉ đồng bao gồm xây dựng phần mềm, bảo trì, nâng cấp hàng năm, triển khai từ năm 2016 đến năm 2018.

Phương án thứ hai là Đà Nẵng chỉ đầu tư 10 tỉ đồng cho việc triển khai phần mềm trong giai đoạn ban đầu. Phần còn lại, FPT sẽ đầu tư và cho ngành y tế Đà Nẵng thuê lại đồng thời thu phí dịch vụ hàng năm.

Ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng xác định sự cần thiết phải đầu tư phần mềm để đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong hoạt động quản lý, điều hành của ngành y tế đồng thời tạo diều kiện thuận lợi cho việc kết nối, chia sẻ thông tin trong công tác khám chữa bệnh.

Tuy nhiên, với chi phí đầu tư 70 tỷ đồng để mua giải pháp phầm mềm của FPT là quá lớn, ngành y tế Đà Nẵng khó có khả năng chi trả một lần. Vì vậy, ông Thơ đề nghị nên để FPT Software đầu tư phần mềm và ngành y tế Đà Nẵng thuê lại trả phí. “Trước mắt, sẽ triển khai thí điểm tại một vài bệnh viện, nếu hiệu quả sẽ triển khai rộng trên toàn thành phố”, ông Thơ nhấn mạnh.