Cùng với 8 thành phố từ 24 nền kinh tế thành viên của Tổ chức Công nghiệp Điện toán châu Á-châu Đại Dương (ASOCIO), Đà Nẵng vừa được trao giải thưởng ASOCIO Smart city 2019.

Đà Nẵng đang nỗ lực trở thành thành phố thông minh vào năm 2030
Đà Nẵng đang nỗ lực trở thành thành phố thông minh vào năm 2030

Lễ trao giải diễn ra trong khuôn khổ Hội nghị thượng đỉnh thành phố thông minh ASOCIO 2019 tại Bangkok (Thái Lan) ngày 28/8.

5 tiêu chí cơ bản để đánh giá trao giải gồm: Chỉ số hạnh phúc, hạ tầng thông minh, dịch vụ công trực tuyến, tăng trưởng kinh tế, giáo dục và nghiên cứu phát triển.

Đà Nẵng thông qua việc phê duyệt “Đề án xây dựng thành phố thông minh hơn” vào năm 2014 và đã phối hợp với các doanh nghiệp công nghệ thông tin hàng đầu trong nước (Viettel, VNPT, FPT,..) để thí điểm các ứng dụng thông minh trong một số lĩnh vực như: Giao thông; Giáo dục; Y tế; Điện – Nước; Môi trường; An ninh trật tự và phòng chống thiên tai, cứu hộ, cứu nạn; Vệ sinh An toàn thực phẩm…

Ngoài ra, Đà Nẵng cũng đã hình thành Trung tâm Vi mạch Đà Nẵng thuộc Sở Thông tin và Truyền thông, là đơn vị nghiên cứu, triển khai các sản phẩm 4.0 như hệ thống camera giao thông thông minh, hệ thống giám sát ô nhiễm môi trường nước, hệ thống giám sát đo mưa tự động và hệ thống giám sát mực nước lũ.

Ngày 10/4/2019, Thành phố chính thức công bố kế hoạch Xây dựng thành phố thông minh đến năm 2030 với tổng kinh phí là 2.100 tỉ đồng.

Việc đẩy mạnh ứng dụng CNTT trong công tác hoạch định, quản lý của thành phố đã dần đem lại hiệu quả cao. Quan điểm chung của lãnh đạo Đà Nẵng là “sử dụng thành phố thông minh như một mô hình quản lý đô thị mới, trong đó CNTT-TT là một công cụ để giải quyết những thách thức trong quản lý đô thị hiện đại dựa trên dữ liệu và thông tin được thu thập, lưu trữ, xử lý”. Việc xây dựng thành phố thông minh được coi là bước tiếp theo của xây dựng Chính quyền điện tử tại đây.

ASOCIO là một hiệp hội về CNTT-truyền thông, được thành lập năm 1984 tại Tokyo, Nhật Bản và là một trong những tổ chức được đánh giá lâu đời và có uy tín nhất tại khu vực châu Á-Thái Bình Dương. Hiện tổ chức đại diện cho hơn 10.000 doanh nghiệp CNTT với doanh thu khoảng 350 tỷ USD, đến từ 24 quốc gia thành viên bao gồm Australia, Bangladesh, Bhutan, Brunei, Campuchia, Hong Kong, Ấn Độ, Indonesia, Nhật Bản, Hàn Quốc, Lào, Ma Cao, Malaysia, Mông Cổ, Myanmar, Nepal, New Zealand, Pakistan, Philippines, Singapore, Sri Lanka, Đài Loan, Thái Lan, Việt Nam.