Các nhà nghiên cứu ở Bảo tàng Thiên nhiên (Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) và Phòng thí nghiệm trọng điểm Sinh thái rừng nhiệt đới (Viện Hàn lâm KH Trung Quốc) đã truy ngược dòng thời gian tìm gốc tích của cây Sống rắn ở đồng bằng sông Hồng.

Nguồn: thuocdantoc.org/
Nguồn: thuocdantoc.org/

Loài Sống rắn thuộc chi Bản xe, một chi thực vật có hoa trong họ Đậu gồm các loại cây, cây bụi và dây leo quan trọng về mặt sinh thái, kinh tế và hóa học, xuất hiện tại châu Á từ cuối thế Eocene đến thế Pleistocen. Tuy nhiên, không có hóa thạch cây sống rắn nào được phát hiện ở Đông Nam Á. Trong quá trình thực địa, các nhà khoa học đã phát hiện ra hóa thạch vỏ quả cây Sống rắn (Albizia yenbaiensis HB Nguyen, T. Su & J. Huang sp) từ trầm tích Miocen muộn tại khu vực bồn trũng Yên Bái. Đặc trưng của Albizia yenbaiensis là vỏ quả không có cánh, thuôn dài, cuống ngắn, gốc thon dài, các khoang hạt tròn và các gân chính song song xiên trên vỏ quả. Đây là hóa thạch đầu tiên của cây Sống rắn ở Đông Nam Á, loài cây mọc trong những khu rừng lá rộng nhiệt đới dọc theo sông Hồng ở miền Bắc Việt Nam vào Thế Miocen muộn. Chi Bản xe có thể bắt nguồn ở khu vực ảnh hưởng của gió mùa Đông Á. Sự đa dạng hiện tại của chi Bản xe ở châu Mỹ và châu Phi có thể là do sự thích nghi của nó với khí hậu khô và ấm theo mùa.

Kết quả được nêu chi tiết trong bài báo “Pod fossils of Albizia (Fabaceae: Caesalpinioideae) from the late Miocene of northern Vietnam and their phytogeographic history”, xuất bản trênReview of Palaeobotany and Palynology.