Chiều ngày 8/12, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Thái Bình đã trao chứng nhận nhãn hiệu tập thể bạc Đồng Xâm cho làng nghề chạm bạc Đồng Xâm.

Hội đồng nghiệm thu dự án "Xây dựng, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể Chạm bạc Đồng Xâm dùng cho các sản phẩm của làng nghề chạm bạc Đồng Xâm, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình.

Tính đến nay, Đồng Xâm đã phát triển thành một làng nghề - xã nghề với khoảng 130 tổ hợp sản xuất, các doanh nghiệp,… thu hút gần 1.600 lao động chính và hàng nghìn lao động thời vụ.

Sản phẩm của làng nghề Đồng Xâm dường như không chỉ có mặt ở nhiều tỉnh, thành trong nước mà còn được khách ngoài nước biết tiếng. Nghề truyền thống này là niềm tự hào của người dân nơi đây, do thu hút một lực lượng lao động khá lớn và đem lại thu nhập ổn định cho người làm nghề.

Một đồng bạc của Đồng Xâm đã được gắn Logo.

Sản phẩm của Đồng Xâm bao gồm 3 loại: thờ cúng, trang sức và mỹ nghệ. Trong suốt chặng đường hình thành và phát triển nghề nghiệp gần 600 năm, những thế hệ bạc Đồng Xâm đã tạo ra vô số sản phẩm cho xã hội. Với những sản phẩm điêu luyện, tinh tế không vùng nào sánh được mà chỉ có ở Đồng Xâm. Thế nhưng nhiều vùng khác đã mượn danh Đồng Xâm để quảng bá cho sản phẩm của mình.

Vì vậy việc chứng nhận nhãn hiệu tập thể đối với người dân Đồng Xâm mang ý nghĩa vô cùng quan trọng và cần thiết trong xây dựng và phát triển thương hiệu làng nghề, nâng cao chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm chạm bạc Đồng Xâm, góp phần phát triển bền vững kinh tế, xã hội: Sản phẩm chạm bạc Đồng Xâm mang nhãn hiệu tập thể khi đưa ra thị trường phải đạt các tiêu chí về chất lượng và các tiêu chí về bao bì, tem nhãn,…theo quy trình nghiêm ngặt. Các sản phẩm được gắn nhãn sẽ được bán với giá cao hơn, được người tiêu dùng ưa chuộng hơn, góp phần gia tăng lợi nhuận cho người dân.

Nghệ nhân Phạm Văn Niêu đang giới thiệu các sản phẩm của gia đình đến Chủ tịch Hội đồng nghiệm thu ông Chu Đức Khải.

Bên cạnh đó, với việc xây dựng và ban hành các quy trình sản xuất đã tạo cơ sở cho việc chuẩn hóa quy trình sản xuất cho người dân, từ đó làm gia tăng giá trị sản phẩm; thông qua các hoạt động quảng bá cho sản phẩm chạm bạc Đồng Xâm mà dự án đã thực hiện sẽ giúp người tiêu dùng nhận biết và tìm mua sản phẩm với số lượng nhiều hơn. Thông qua việc thực hiện dự án, cho đến nay giá bán chạm bạc đã tăng lên khoảng 25% (so với trước khi có dự án), tổng doanh thu toàn vùng tăng lên khoảng 2-3 tỷ đồng.

Ông Nguyễn Thế Hoan, Chủ tịch UBND xã Hồng Thái chia sẻ: "Hiện nay, tỷ lệ hộ dân hoạt động trong lĩnh vực tiểu thủ công nghiệp chiếm 55%, chúng tôi đang cố gắng chuyển đổi cơ cấu hết năm 2020 đạt 60%. Việc chứng nhận thương hiệu làng nghề là yếu tố quyết định cho sự phát triển của làng nghề. Không những riêng tôi mà bà con trong xã đều rất phấn khởi. Tôi mong muốn Nhà nước sẽ tạo điều kiện hơn nữa cho làng nghề, tôi hy vọng sẽ tạo dựng được một trang web riêng quảng bá sản phẩm Đồng Xâm đến với người dân không chỉ trong nước mà cả bạn bè quốc tế".