Trong 5 năm qua, các doanh nghiệp tham gia Chương trình KH&CN quốc gia đều có doanh thu tăng trưởng trung bình từ 18- 50%/năm. Tuy nhiên, vì một số lý do, vẫn còn ít đơn vị, doanh nghiệp ở phía Nam tham gia Chương trình.

Tại Hội thảo "Chương trình KH&CN quốc gia đóng góp vào phát triển KT-XH khu vực phía Nam: Thực trạng và giải pháp" do Cục Công tác phía Nam Bộ KH&CN tổ chức ngày 18/11, TS Nguyễn Phú Bình, Phó Giám đốc Văn phòng các Chương trình KH&CN quốc gia, cho biết, từ năm 2010 trở lại đây, các Chương trình KH&CN Quốc gia đã góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tạo ra nền tảng công nghệ cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp. Trong đó, có hơn 100 doanh nghiệp tham gia các Chương trình KH&CN quốc gia về phát triển sản phẩm, công nghệ cao, đổi mới công nghệ.

Cụ thể, mức tăng trưởng doanh thu trung bình hằng năm của các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ đạt 18,8 - 50%. Kết quả kinh doanh sản phẩm của các nhiệm vụ ước đạt gần 3.424 tỷ đồng (chiếm 33,6% doanh thu của các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ trong 5 năm tới). Ngoài ra, Chương trình còn giúp tăng tỷ lệ nội địa hóa trong quá trình sản xuất của các doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ lên 67%. Hoạt động sản xuất sản phẩm của các nhiệm vụ tạo ra hơn 3.000 việc làm, chuyển giao được hơn 2.000 lượt công nghệ.

T
TS Nguyễn Phú Bình giới thiệu một số thành quả của Chương trình KH&CN Quốc gia tại
khu vực phía Nam. Ảnh: KA

Trong đó, ở khu vực phía Nam, Công ty TNHH chế biến dừa Lương Quới (Bến Tre) đã chủ trì dự án sản xuất dầu dừa VCO đạt tiêu chuẩn xuất khẩu sang Mỹ, EU và Nhật Bản. Nhờ ưu điểm của công nghệ, dầu dừa đạt độ tinh khiết và không bị biến chất, nên giá bán gấp 4 lần loại đang sản xuất theo công nghệ hiện nay (125.00 đồng/lít so với 30.000 đồng/lít). Hay như Công ty Cổ phần muối Bạc Liêu đã tiếp nhận 7 quy trình công nghệ hiện đại về chế biến muối tinh và muối tinh I-ốt chất lượng cao công suất 4,3 tấn/giờ (23.640 tấn/năm) trong khuôn khổ dự án “Ứng dụng tiến bộ KH&CN xây dựng mô hình chế biến muối tinh và muối tinh I-ốt chất lượng cao ở tỉnh Bạc Liêu” do Công ty chủ trì. Qua đó, Công ty tăng lợi nhuận từ việc tăng sản lượng bán ra (8,47%), tăng doanh thu (9,18%), và giảm chi phí sản xuất nên lợi nhuận tăng 100,5% chỉ sau 6 tháng vận hành chính thức. Dự án đã góp phần ổn định sản xuất cho khoảng 365 diêm dân sản xuất muối tại đồng muối tỉnh Bạc Liêu.

Ngoài ra, còn có thể kể đến các dự án Tinh luyện phụ phẩm mỡ cá tra thành dầu ăn, mỗi năm tăng thêm giá trị của cá tra lên khoảng 4,67%; dự án sản xuất phân vô cơ đa thành phần bằng công nghệ sử dụng khí nóng tạo hạt, là công nghệ mới hiện nay, có chi phí đầu tư thấp, ổn định và dễ vận hành, giúp tăng tổng hàm lượng NPK lớn hơn 40%, có thể bổ sung các nguyên tố trung vi lượng, chất lượng dinh dưỡng cao phù hợp với kiều kiện thổ nhưỡng, cây trồng của đồng bằng sông Cửu Long.

D
Dây chuyền sản xuất muối chất lượng cao tại Bạc Liêu. Ảnh: NNC

TS Nguyễn Phú Bình nhận định, mặc dù đạt được những kết quả đáng ghi nhận từ các dự án thuộc Chương trình KH&CN quốc gia, số các tổ chức, đơn vị, doanh nghiệp khu vực phía Nam tham gia vào Chương trình còn ít, chỉ chiếm 25 – 30% tổng các dự án trên cả nước. Ông Bình lý giải, do thời gian xét duyệt các dự án còn kéo dài (6 – 8 tháng), các đơn vị thường tự chủ động triển khai sớm các nghiên cứu, mà không tham gia Chương trình để nắm bắt kịp thời cơ hội sản xuất, kinh doanh.

Ở góc độ doanh nghiệp, ông Nguyễn Thế Hà, Công ty Cơ khí Bùi Văn Ngọ cho biết, doanh nghiệp phía Nam luôn có tính chủ động cao, không phải đơn vị nào cũng trông chờ vào hỗ trợ vốn của Nhà nước. Ông mong muốn Nhà nước cần kết nối đặt hàng từ trường đại học, viện nghiên cứu với doanh nghiệp. Bởi đây là nơi cung cấp công nghệ, giúp cơ giới hóa cho đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

TS Nguyễn Phú Bình cho biết, thời gian tới, các chương trình KH&CN quốc gia sẽ được tái cấu trúc, giảm bớt các thủ tục hành chính, nhằm đưa việc triển khai các chương trình, dự án của các doanh nghiệp, nhà khoa học sớm đi vào cuộc sống. Để làm được điều này, theo ông, cần hoàn thiện các chính sách hỗ trợ và chia sẻ nguồn lực giữa cơ quan nhà nước, doanh nghiệp, nhà khoa học.