World Clean Up Day (Ngày Dọn dẹp Thế giới), một sáng kiến chống rác thải nhựa được thực hiện tại hơn 50 quốc gia cho thấy nguồn rác thải lớn nhất đến từ thương hiệu quen thuộc: Coca-Cola.

Trong số 476,423 đơn vị rác thải nhựa thu thập được từ hơn 70,000 tình nguyện viên, hơn 40% rác có thể được nhận diện bằng thương hiệu. Trong đó, chỉ riêng Coca-cola đã chiếm đến 11,732 đơn vị, nhiều hơn mọi thương hiệu khác. Đây là con số khổng lồ đối với chỉ một công ty, gấp đôi doanh nghiệp thải ra nhiều thứ hai là Nestle và Pepsi với lần lượt 4,846 và 3,362 đơn vị rác thải. Góp mặt trong top 10 thải ra lượng rác nhựa lớn nhất còn có các thương hiệu quen thuộc như Mondelēz, Unilever, và Mars.

Hình minh họa. Nguồn:(Dejan Markovic/iStock)

Đây là năm thứ hai liên tiếp Coca-Cola đứng trong top doanh nghiệp gây ô nhiễm nhựa nhiều nhất, theo các nhà nghiên cứu từ tổ chức hành động vì môi trường Break Free From Plastic (BFFP). Điều phối viên toàn cầu BFFP, Von Hernandez cho rằng “các công ty cần gấp rút hành động để giải quyết thảm họa ô nhiễm nhựa mà họ đã tạo ra”. Sự phụ thuộc của họ vào các bao bì nhựa sử dụng một lần khiến lượng rác nhựa thải ra môi trường ngày một nhiều thêm, và việc tái chế, sẽ không thể giải quyết được vấn đề.

Trong suốt nhiều thập kỉ qua, người dân tại nhiều quốc gia đều coi tái chế là phương án giải quyết có trách nhiệm với môi trường. Tuy nhiên, sự thất bại của hệ thống – được khơi mào bởi quyết định từ chối nhập khẩu rác thải của Trung Quốc – đã dẫn tới khủng hoảng tái chế và rác thải tại Mỹ và nhiều nơi khác. Sự kiện này cũng đồng thời nâng cao nhận thức về thực chất của quy trình tái chế tại các quốc gia phát triển.

Việc tái chế các loại nhựa, vốn có nhiều loại với cấu tạo hóa học khác nhau, có thể rất phức tạp. Đặc biệt, có một số loại nhựa rất khó, thậm chí không thể tái sử dụng được. Do đó, giải pháp thực sự cho cuộc khủng hoảng nhựa chỉ có thể là việc các công ty cắt giảm sản xuất nhựa trên toàn cầu.

Trong một báo cáo của BFFP, các tác giả đã chỉ ra “trong tổng số nhựa được sản xuất từ những năm 1950, chỉ có 9% là được tái chế trên toàn cầu; số còn lại hoặc bị đem đi đốt, tập trung ở bãi rác, hoặc bị đổ bỏ và gây ô nhiễm môi trường”. Trong trường hợp này, tái chế không phải là giải pháp thần kỳ như các công ty khẳng định mà chỉ là cách để họ trốn tránh thực hiện những thay đổi thực sự.

Mức độ phức tạp của vấn đề có thể không quá rõ ràng đối với người tiêu dùng, đặc biệt khi các công ty lớn như Coca-Cola vẫn rót hàng triệu đôla vào các chiến dịch bề nổi về tái chế hay “nói không với rác thải” (zero waste) để thể hiện trách nhiệm môi trường. Đặc biệt, thương hiệu nước giải khát nổi tiếng còn hứa hẹn sẽ thu thập và tái chế một lượng tương đương mỗi chai và lon nước được bán ra trên toàn cầu vào năm 2030.

Theo các nhà phê bình, những hành động trên chỉ nhằm đánh lạc hướng (người tiêu dùng), cố gắng để xây dựng hình ảnh thương hiệu bền vững, có trách nhiệm với môi trường mà không thực sự thay đổi quy trình sản xuất đằng sau.

Phía Coca-Cola đã đưa ra thông điệp mạnh mẽ tới công chúng rằng rác thải nhựa ngoài môi trường là “không thể chấp nhận được”. Song, việc công ty tiếp tục sản xuất rác thải nhựa dường như lại là một phạm trù khác và nhiều khả năng, sẽ không thay đổi.

Nguồn: https://www.sciencealert.com/guess-who-was-just-crowned-the-world-s-biggest-plastic-polluter-again