Sau bốn năm triển khai Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025, lĩnh vực hóa học của Việt Nam xếp hạng 3 Đông Nam Á và hạng 34 thế giới, theo số liệu của SCImago. Ba lĩnh vực còn lại đều lọt vào top 50 thế giới.

Đây là kết quả được báo cáo trong phiên họp Tổ công tác Chương trình phát triển khoa học cơ bản trong Hóa học, Khoa học sự sống, Khoa học Trái đất và Khoa học biển giai đoạn 2017-2025 (Chương trình 562) diễn ra ngày 8/4 vừa qua.

Bắt đầu triển khai từ năm 2017, mục tiêu của Chương trình là nâng cao tiềm lực khoa học cơ bản trong bốn lĩnh vực trên thông qua việc xây dựng đội ngũ các nhà khoa học có trình độ cao; tăng số lượng công bố quốc tế; phát triển các hướng nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng liên ngành, làm chủ công nghệ tiên tiến để phục vụ sản xuất và đời sống,... Theo báo cáo của tổ công tác, trong trong khuôn khổ Chương trình giai đoạn 2018-2021, Bộ KH&CN đã tài trợ cho 448 đề tài nghiên cứu cơ bản thông qua Quỹ NAFOSTED, chiếm 44% số lượng đề tài của quỹ, trong đó lĩnh vực hóa học có tỉ lệ cao nhất (18,1%). “Theo số liệu của SCImago, trong giai đoạn 2017-2020, cả bốn lĩnh vực này của Việt Nam đều được gia tăng thứ hạng, lọt vào top 50 thế giới”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà, Phó Vụ trưởng Vụ Khoa học xã hội, nhân văn và tự nhiên (Bộ KH&CN), báo cáo. “Trong đó, xuất sắc nhất là ngành Hóa học, năm 2020 đứng thứ 3 trong khu vực ASEAN và thứ 34 thế giới, tăng 19 hạng so với năm 2017 với mức tăng trung bình công bố quốc tế là 35%/năm, cao hơn so với mục tiêu chương trình đặt ra là 20-25%”.

Bên cạnh số lượng công bố, Chương trình 562 còn góp phần quan trọng vào nâng cao chất lượng nguồn nhân lực KH&CN. “Trong các chương trình nghiên cứu của Quỹ trước đây, các nhà khoa học đáp ứng điều kiện tài trợ chủ yếu đến từ Hà Nội và TP.HCM, nhưng hiện nay trên khắp các viện trường cả nước hầu hết đều có thành viên đã nhận được tài trợ. Ngoài ra, trước đây khi chúng ta tổ chức các chương trình hợp tác song phương với đối tác nước ngoài, rất khó để thành viên Việt Nam tham gia vào hội đồng, nhưng bây giờ tỉ lệ thành viên Việt Nam – nước ngoài là 50-50, các thành viên đều tranh luận bình đẳng với họ. Điều này chứng tỏ chất lượng nguồn nhân lực của chúng ta đã được nâng cao”, TS. Phạm Đình Nguyên, Phó Giám đốc Quỹ NAFOSTED nói.

Các nhà khoa học Việt Nam và Nga khảo sát trên biển trong khuôn khổ chuyến khảo sát của tàu Viện sĩ Oparin. Nguồn Dân trí
Các nhà khoa học Việt Nam và Nga khảo sát trên biển trong khuôn khổ chuyến khảo sát của tàu Viện sĩ Oparin. Nguồn: Dân trí

Mặc dù các lĩnh vực đều tăng trưởng song tốc độ không đồng đều. Trong đó, hóa học là lĩnh vực duy nhất đạt mục tiêu đề ra, còn lại đều ở mức tiệm cận. “Đặc biệt tốc độ tăng trưởng của số lượng bài báo quốc tế trong lĩnh vực Khoa học biển rất thấp, chưa đầy 5%/năm”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà cho biết. Một trong những nguyên nhân chính là do ảnh hưởng của dịch bệnh. “Tàu địa chất của Nga không vào được kể từ khi dịch bệnh bùng phát, điều này rất quan trọng vì nếu không có tàu thì không thể thực hiện nghiên cứu khảo sát ở biển. Đến năm ngoái, chúng tôi mới thực hiện được một chuyến khảo sát với tàu Viện sĩ Oparin”, bà Phan Thu Hà, Phó trưởng Ban Kế hoạch - Tài chính, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam cho biết.

Tương tự, việc triển khai các nhiệm vụ nghiên cứu cơ bản định hướng ứng dụng cũng bị chậm trễ do dịch bệnh. “Trong thời gian qua, chúng tôi đã tuyển chọn và triển khai 100 nhiệm vụ cho bốn lĩnh vực. Dù kết quả chỉ dừng ở mức đưa ra những sản phẩm mẫu song đây là bước nối quan trọng giữa nghiên cứu cơ bản và nghiên cứu triển khai. Hiện nay mới có 60 nhiệm vụ đang triển khai, còn 40 nhiệm vụ chưa kí hợp đồng và cấp kinh phí vì do dịch bệnh, việc xét duyệt bị ảnh hưởng rất nhiều”, bà Nguyễn Thị Thanh Hà nói.

Đánh giá về những kết quả đạt được, Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc cho rằng “dù có một số khó khăn do dịch bệnh, Chương trình cũng góp phần đảm bảo vị thế của Việt Nam trong nghiên cứu cơ bản, thu hút được nhiều đối tượng tham gia, cả công lập lẫn tư nhân. Trong thời gian tới, chúng ta vẫn tiếp tục bám sát theo các định hướng của chương trình, đặc biệt là ưu tiên lĩnh vực Khoa học biển”.