Hạ tầng công nghệ thông tin chưa đủ mạnh để hỗ trợ công tác tuyên truyền cơ chế, chính sách, quản lý nhà nước về KH&CN là khó khăn của chương trình nông thôn, miền núi trong các giai đoạn trước đây. Công tác này sẽ được đẩy mạnh trong giai đoạn mới.

Nhiều kết quả phục vụ trực tiếp cho sản xuất

Tại hội thảo hướng dẫn kế hoạch cho các dự án năm 2018 thuộc chương trình Hỗ trợ ứng dụng, chuyển giao tiến bộ KH&CN thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn, miền núi, vùng dân tộc thiểu số (chương trình Nông thôn, miền núi) giai đoạn 2016-2025, TS Nguyễn Văn Liễu - Vụ trưởng Vụ Phát triển KH&CN địa phương, Bộ KH&CN - cho biết, qua 3 giai đoạn triển khai, chương trình được đánh giá là rất hiệu quả, các kết quả đã góp phần trực tiếp phục vụ sản xuất. Chính vì thế sau khi kết thúc, chương trình được các bộ, ban, ngành thống nhất đề nghị Chính phủ cho phép triển khai ở các giai đoạn sau.

Từ năm 1998 đến nay, chương trình đã thực hiện tốt việc chuyển giao và ứng dụng công nghệ cao vào các khâu của sản xuất nông nghiệp, phát triển công nghệ sử dụng năng lượng mặt trời, năng lượng gió, năng lượng biogas, ứng dụng công nghệ thông tin phục vụ nông nghiệp, nông thôn và miền núi, hải đảo. Các dự án đã chuyển giao kỹ thuật về nhân giống, trồng, chăm sóc và bảo quản hoa, rau... ở quy mô hộ gia đình, quy mô công nghiệp.

Trưng bày các sản phẩm của chương trình nông thôn, miền núi giai đoạn 2011-2015.
Ảnh: PN

Đối với loại hoa chất lượng cao, dự án hỗ trợ các đơn vị áp dụng công nghệ nuôi cấy mô để sản xuất giống, xây dựng các mô hình trồng hoa trong nhà lưới với hệ thống phun sương, điều khiển nhiệt độ, ánh sáng tự động.

“Nhiều dự án mang lại giá trị kinh tế cao, được người dân ủng hộ, áp dụng” - TS Liễu đánh giá. Theo mục tiêu chương trình giai đoạn 2016-2020, có ít nhất 30% trong 1.200 mô hình được thực hiện ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số, xây dựng được ít nhất 20% mô hình liên kết ứng dụng KH&CN theo chuỗi giá trị hàng hóa, tạo sinh kế cho người dân.

Xây dựng hạ tầng thông tin, truyền thông

TS Nguyễn Văn Liễu cho rằng, việc kéo dài mỗi giai đoạn thực hiện chương trình thành 10 năm thay vì 5 năm như trước đây là một điểm thuận lợi cho việc triển khai. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Thế Ích - Chánh Văn phòng chương trình Nông thôn, miền núi, thực tế các giai đoạn trước cho thấy nhiều điểm khó khăn như chưa bố trí kinh phí cho địa phương để phục vụ công tác quản lý trong các dự án; mức hỗ trợ kinh phí thấp so với đề xuất và thời gian cấp còn chậm. Hạ tầng công nghệ thông tin lại chưa đủ mạnh để hỗ trợ công tác tuyên truyền cơ chế, chính sách, quản lý nhà nước về KH&CN.

“Công tác truyền thông về các mô hình ứng dụng chuyển giao KH&CN tại các địa phương còn nhiều hạn chế, chưa khuyến khích nhân rộng sau khi dự án kết thúc. Công tác này cần được chú trọng trong giai đoạn tới” - ông Nguyễn Thế Ích nói và cho biết, để triển khai tốt chương trình trong giai đoạn này, lãnh đạo Bộ KH&CN đã chỉ đạo các vụ và Văn phòng chương trình Nông thôn, miền núi tiếp tục làm tốt công tác xây dựng văn bản quản lý, hướng dẫn các đơn vị thực hiện từ khâu lập kế hoạch, tổ chức hội đồng xét duyệt và giám sát quy trình thực hiện dự án.