Chương trình 712 đã nhận được phản hồi tích cực của doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc triển khai các dự án thành phần thuộc chương trình này ở một số ngành, địa phương vẫn bị đánh giá là diễn ra chậm so với kế hoạch đề ra do thiếu kinh phí.

Chiều 25/12, Bộ KH&CN tổ chức Hội nghị Ban điều hành chương trình quốc gia “Nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp Việt Nam đến năm 2020” (Chương trình 712) nhằm đánh giá kết quả thực hiện chương trình trong giai đoạn II (2016-2020).

Về tình hình thực hiện Chương trình, một số kết quả quan trọng đã đạt được: tính đến nay đã có 7/8 bộ, ngành, 57/63 địa phương đã có dự án năng suất chất lượng (NSCL) được phê duyệt. Năm 2016-2918 đã tổ chức xây dựng khoảng 2.600 TCVN, tỷ lệ hài hòa đạt 80%. Đến nay hệ thống TCVN có khoảng 11.500 TCVN với mức độ hài hòa với tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực trên 54%. Như vậy, mục tiêu xây dựng mới 2.000 TCVN cho các sản phẩm hàng hóa chủ lực và lĩnh vực liên quan, với tỉ lệ hài hòa với tiêu chuẩn quốc gia, tiêu chuẩn quốc tế, tiêu chuẩn khu vực đạt khoảng 60% của giai đoạn II của Chương trình là hoàn toàn khả thi.

Toàn cảnh hội nghị. Nguồn: vietq

Đại diện các doanh nghiệp cũng đánh giá cao vai trò của Chương trình 712. “Việc ứng dụng công cụ Kaizen vào các dây chuyền sản xuất đem lại hiệu hiệu quả rất tốt, có những dây chuyền tăng năng suất 59%. Chúng tôi mong muốn được tiếp tục tham gia Chương trình”, ôngLê Quốc Khánh, Phó TGĐ công ty Rạng Đông, doanh nghiệp đã áp dụng các mô hình nâng cao NSCL khẳng định tại Hội nghị.

Tuy nhiên, tình hình thực hiện các dự án thành phần thuộc Chương trình712 ở một số bộ ngành, địa phương trong giai đoạn I (2010-2015) cũng như nửa đầu giai đoạn II từ 2016-2018 còn gặp phải một số khó khăn. Cụ thể, mặc dù có 2 dự án nền, 5/6 dự án NSCL ngành và 57/63 dự án NSCL địa phương được phê duyệt, tuy nhiên chỉ có hai dự án nền do Bộ KH&CN chủ trì, dự án NSCL ngành công nghiệp do Bộ Công thương chủ trì và một số địa phương đã triển khai dự án theo đúng phê duyệt. Còn lại 4 dự án ở các Bộ NN&PTNT, Bộ TT&TT, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế và Bộ GTVT triển khai không đáng kể hoặc chủ yếu theo hướng lồng ghép với các chương trình khác. Ở địa phương, nhiều địa phương không bố trí được hoặc bố trí kinh phí triển khai dự án rất hạn hẹp nên kết quả đạt được còn khiêm tốn.

Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: vietq
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng phát biểu tại Hội nghị. Nguồn: vietq

Trong giai đoạn II, chương trình đặt ra mục tiêu có 60.000 DN được hướng dẫn áp dụng các mô hình mới để cải tiến NSCL, nhưng đến nay là giữa giai đoạn II, chỉ thực hiện được ¼ (15.000 doanh nghiệp) mục tiêu đề ra, theo báo cáo Tình hình triển khai và kết quả thực hiện chương trình 712 năm 2018 và giai đoạn 2016 – 2018 tại Hội nghị.

Lý giải về nguyên nhân dẫn tới việc chậm triển khai các dự án thành phần thuộc Chương trình, Đại diện Bộ Công thương cho biết: “Hạn chế về mặt kinh phí khiến việc triển khai một số nhiệm vụ gặp khó khăn”.

Tuy nhiên, ông Trần Văn Vinh, Tổng Cục trưởng Tổng cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng, cho rằng không nên phụ thuộc vào nguồn kinh phí nhà nước bởi theo mục tiêu chương trình 712 đề ra, “nhà nước chỉ hỗ trợ bước đầu nhằm tạo động lực thúc đẩy DN quan tâm, phát triển các công cụ, giải pháp nâng cao NSCL như Kaizen, LEAN, 5S,…Đây đều là những phương pháp rẻ tiền nhưng đem lại nhiều hiệu quả”.

Trong phát biểu tổng kết tại hội nghị, Thứ trưởng Trần Văn Tùng, Bộ KH&CN đề nghị “phải xây dựng cơ chế tăng cường phối hợp giữa các địa phương, Bộ ngành và DN, đồng thời phát triển, mở rộng các mô hình thành công để từ đó, các DN khác sẽ học tập và làm theo”.


Chương trình 712 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt năm 2010 tại Quyết định số 712/2010/QĐ-TTg với mục tiêu nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, hàng hóa của doanh nghiệp trên cơ sở áp dụng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, ứng dụng các công cụ và mô hình mới trong quản lý chất lượng. Các dự án thành phần thuộc chương trình bao gồm: 2 dự án thuộc Bộ KH&CN, 6 dự án ngành do 6 Bộ quản lý ngành chủ trì (Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT; Bộ TT&TT; Bộ Y tế; Bộ XD; Bộ GTVT) và các dự án địa phương (do UBND tỉnh/ thành phố trực thuộc Trung ương chủ trì).
Chương trình được chia làm 2 giai đoạn: giai đoạn I từ 2010-2015; giai đoạn II từ 2016-2020. Trong giai đoạn II, chương trình đặt ra mục tiêu: Xây dựng mới 2.000 TCVN; 60% TCVN của hệ thống TC quốc gia hài hoà với TC quốc tế, khu vực;100% phòng thử nghiệm chất lượng sản phẩm, hàng hóa chủ lực đạt trình độ quốc tế;60.000 doanh nghiệp được hướng dẫn ứng dụng tiến bộ KHKT và đổi mới công nghệ, áp dụng các hệ thống quản lý, mô hình, công cụ cải tiến NS&CL; Xây dựng phong trào NS&CLtại tất cả các tỉnh, thành phố trong cả nước;100% doanh nghiệp sản xuất các sản phẩm, hàng hoá chủ lực xây dựng và thực hiện các dự án nâng cao NS&CL;Góp phần nâng tỷ trọng đóng góp của năng suất các yếu tố tổng hợp (TFP) trong tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) lên ít nhất 35% vào năm 2020.