Bấy lâu nay, chúng ta vẫn thường lầm tưởng rằng nữ quyền là một phong trào chỉ mới nhen nhóm gần đây, nhất là khi quá trình hội nhập quốc tế diễn ra mạnh mẽ. Tuy nhiên, tạo buổi tọa đàm “Một thế kỷ phong trào phụ nữ Việt Nam”, TS Bùi Trân Phượng khẳng định, thực chất phong trào nữ quyền đã diễn ra sôi nổi ngay từ những năm đầu thế kỷ XX.

Tọa đàm “Một thế kỷ phong trào phụ nữ Việt Nam” do Viện Pháp tại Hà Nội và NXB Phụ Nữ phối hợp tổ chức. Ảnh: Tuấn Quang.

Theo bà, dù chúng ta lúc bấy giờ đang phải đối diện với hai rào cản lớn, đó là 2000 năm ảnh hưởng Nho giáo và chế độ Pháp thuộc áp bức tiếng nói tự do, nhưng giai đoạn này vẫn có nhiều thuận lợi để nữ quyền phát triển. Thuận lợi thứ nhất là sự xuất hiện của chữ Quốc ngữ với đặc điểm dễ học, tạo điều kiện xóa mù chữ nhanh, dễ dàng lan tỏa ra ngoài xã hội, cùng với đó là sự góp sức của nền giáo dục công lập khi mà lần đầu tiên nữ sinh được cắp sách đến trường, và từ đó ra đời nhiều ngành nghề mới mà phụ nữ có thể tham gia như viết báo, viết văn, làm thơ…

"Dù hệ thống nhà trường thực dân giai đoạn đầu thế kỷ XX có rất nhiều điều tệ hại, nhưng cũng có một điểm tích cực là đã dạy cho học sinh (cả nam lẫn nữ) biết về quyền làm người. Chính những người Việt Nam học từ nhà trường đó đã trở thành những người đầu tiên khởi xướng các cuộc đấu tranh nữ quyền", bà nhận định.

Thuận lợi thứ hai là ý chí quật cường của dân tộc Việt Nam không cam tâm chịu áp bức. Những cuộc đấu tranh chống thực dân bằng con đường vũ trang giai đoạn đầu thế kỷ XX đều đi đến thất bại. Sau năm 1930, chỉ còn cách đấu tranh phi bạo lực, và trong loại hình đấu tranh đó, vị thế của người phụ nữ vô cùng thuận lợi. Chính vì vậy, các nhà yêu nước đã dùng phong trào đấu tranh nữ quyền để tiếp tục chống áp bức.

TS Bùi Trân Phượng (trái), nguyên Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen, chia sẻ tại buổi tọa đàm. Ảnh: Tuấn Quang.

Đó đều là những thuận lợi để làn sóng đấu tranh nữ quyền phát triển đa dạng, phong phú từ cách đây 100 năm. Ngọn cờ của làn sóng nữ quyền đó có nhiều thế hệ tham gia và làm việc trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Họ là những người tham gia đấu tranh giải phóng dân tộc như bà Nguyễn Thị Giang, Nguyễn Thị Bắc, Nguyễn Thị Minh Khai, Nguyễn Trung Nguyệt…, họ không chỉ đấu tranh giải phóng dân tộc, mà họ còn đấu tranh giải phóng phụ nữ với một ý thức nữ quyền hết sức rõ ràng. Họ có những hoạt động hợp pháp diễn ra ở trong thành phố một cách bình thường, có người Pháp tham dự, và thậm chí người Pháp có bắt chước làm theo, như Hội Dục Anh do báo Phụ nữ Tân văn tổ chức. Đáng chú ý, thậm chí đã có hàng ngàn người đến lắng nghe những buổi diễn thuyết về quyền phụ nữ của bà Nguyễn Thị Kiêm (khi ấy chỉ mới 20 tuổi) về những chủ đề như “Có nên tự do kết hôn chăng?”, “Nên bỏ chế độ đa thê không?”... Sự can đảm và quyết liệt ấy đã khiến tác giả của Thi nhân Việt Nam phải thốt lên về Nguyễn Thị Kiêm rằng, “đó là một nữ sĩ có gan và có tài.”

Nhưng cuối cùng, trước sự đàn áp của chính quyền thực dân, những nỗ lực không thành công trong việc phối hợp hành động và tổ chức ở quy mô cả nước, cũng như do rào cản văn hóa, chính trị, xã hội; làn sóng nữ quyền đó cũng kết thúc hệt như một vệt sao băng thoáng qua.

Làn sóng phản kháng nữ quyền

Theo TS Bùi Trân Phượng, làn sóng nữ quyền không chỉ phải đối diện với sự đàn áp của chính quyền thực dân, mà còn phải đối diện với các tiếng nói phản kháng nữ quyền khác. Trong đó, bà cho biết có ba loại phản kháng nữ quyền:

Thứ nhất là phản kháng của xu hướng bảo thủ. Xu hướng bảo thủ coi đó là biểu hiện nổi điên của một số phụ nữ, nhưng họ còn ‘dán nhãn’ tệ hại hơn, đó là theo Tây mất gốc. Đó là một loại phản kháng trì kéo, cho nên phụ nữ chỉ cần cho đi học thôi cũng bị xem là một chọn lựa sai lầm. Những nhà nữ quyền như ông Đặng Văn Bảy, bà Đạm Phương đều phải đấu tranh bút chiến trên mặt báo để bảo vệ quyền được đi học của phụ nữ.

Thứ hai là xu hướng của bản thân các nhà nữ quyền, nhưng họ phê phán cái gọi là nữ quyền giả dối, nữ quyền hình thức, giả tạo và hời hợt, cái mà cụ Phan Bội Châu gọi là “nữ quyền không có nghĩa là xức nước bông”.

Thứ ba là xu hướng của những người như ông Vũ Trọng Phụng, nhưng theo bà, đó là một xu hướng đáng quý, dù họ chế giễu nữ quyền, nhưng sự chế giễu đó là chế giễu nữ quyền để bảo vệ nhân phẩm người phụ nữ, để tố cáo việc phụ nữ trở thành nạn nhân, công cụ dưới chế độ thuộc địa.

Cuối cùng, bà khẳng định, xu thế xã hội ủng hộ nữ quyền lúc bấy giờ dù vậy vẫn diễn ra rất mạnh mẽ. Từ phía Cộng sản hay chế độ thực dân cũng đều có tiếng nói nữ quyền, và tiếng nói ấy không chỉ từ nữ giới mà còn có cả của nam giới như cụ Phan Bội Châu, ông Nguyễn An Ninh.

Một ví dụ điển hình là tại những cuộc diễn thuyết của các nhà nữ quyền đi từ Sài Gòn ra Huế, Nam Định, Hà Nội… ở đâu cũng được các tổ chức tại đó hỗ trợ (ở Hà Nội là Hội Khai trí Tiến đức của Phạm Quỳnh). "Mặc dù tư tưởng nữ quyền của Phạm Quỳnh chắc chắn không giống tư tưởng nữ quyền của Nguyễn Thị Kiêm, nhưng họ biết rằng nữ quyền là văn minh, là tiến bộ, nên dư luận trí thức, tầng lớp tinh hoa lúc bấy giờ đa phần đều ủng hộ", bà chia sẻ.

Nữ quyền là nhân quyền

Nối tiếp câu chuyện về nữ quyền trong 100 năm qua, TS Khuất Thu Hồng cho biết, không chỉ trong quá khứ, mà nữ quyền trong giai đoạn đương đại cũng thường xuyên phải đối diện với những tiếng nói chế giễu, mọi người tỏ ra sợ hãi khi nhắc về nó.

Thậm chí, TS Khuất Thu Hồng chia sẻ, mọi người thường nghĩ về nữ quyền như thể đó là một đám phụ nữ rỗi việc đi đấu tranh đòi những quyền rất đặc biệt cho phụ nữ. "Những cách hiểu không đúng về nữ quyền là lý do khiến cho con đường đấu tranh vì nữ quyền ngày càng trắc trở. Họ không hiểu rằng, không có cái gọi là nam quyền hay nữ quyền, tất cả đều là nhân quyền. Nhưng sở dĩ người ta nói nữ quyền là vì phụ nữ thiệt thòi, nên chúng ta đấu tranh để phụ nữ có được nhân quyền."

Bà chia sẻ thêm, sau khi chiến tranh kết thúc, người phụ nữ Việt Nam từ vai trò ‘nhiếp chính’ đã trở về làm ‘nội tướng’ trong gian bếp của mình, với những ‘công dung ngôn hạnh’, ‘thiên chức’… Cụ thể, thời chiến tranh, khi cần huy động phụ nữ để đi tải đạn, cứu thương, trở thành hậu phương vững chắc, thì mọi người sẽ nói đến sức mạnh, lòng yêu nước của người phụ nữ. Thế nhưng khi người ta muốn phụ nữ tránh thai, nấu cơm, làm mẹ hiền vợ đảm, thì ngay lập tức họ lại quay lại với từ ‘thiên chức’. Theo bà, mọi người luôn sử dụng từ ‘thiên chức’ như một mệnh trời, một từ mầu nhiệm không thể cãi được.

TS Khuất Thu Hồng, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển xã hội tại tọa đàm "Một thế kỷ phong trào phụ nữ Việt Nam". Ảnh: Tuấn Quang.

Bàn đến vai trò của người phụ nữ trong quá trình thiết kế chính sách cho bản thân mình sau khi Việt Nam giành được độc lập, TS Khuất Thu Hồng cho biết, phụ nữ đã được huy động để cùng với nam giới giành độc lập, để tham gia những cuộc kháng chiến của dân tộc. Khi được huy động, họ được ca ngợi là con cháu của bà Trưng, bà Triệu, nhưng khi chúng ta hoàn thành nhiệm vụ giành độc lập, họ lại trở về với vai trò của họ - vai trò mà người ta gọi là truyền thống của họ. "Chính vì thế, tiếng nói của phụ nữ trong số những người làm chính sách còn rất ít. Cho dù chúng ta còn rất nhiều người phụ nữ tuyệt vời, nhưng họ vẫn chưa được dành cho một vị trí xứng đáng", bà nói.

Nhà văn Trang Hạ cũng chia sẻ rằng trong một cuộc gặp, bà Christine Lagarde (Chủ tịch Quỹ Tiền tệ Quốc tế - IMF) tại Việt Nam cho biết bà phát hiện ra rằng những người phụ nữ đi đầu ở Việt Nam đều rất cô đơn và họ không hề hợp tác với nhau. IMF đánh giá Việt Nam là một quốc gia mà trong suốt mấy chục năm qua chỉ số phụ nữ lên chức cao ngày càng nhiều và ổn định, nhưng chất lượng sống lại kém đi. Nói cách khác, địa vị của người phụ nữ đi lên nhưng vai trò của họ lại đi xuống. Bà Christine Lagarde còn cho biết thêm rằng dữ liệu cho thấy những người phụ nữ ấy đã quên mất mình là phụ nữ. Cụ thể, sau khi họ lên làm lãnh đạo, họ không tham gia vào việc đưa ra chính sách cho phụ nữ, hay mở những trung tâm hỗ trợ, khóa học tạo công ăn việc làm cho phụ nữ,…

Trước câu hỏi rằng rốt cục nữ quyền trong quá khứ đã để lại bài học gì cho nữ quyền trong hiện tại, thì câu trả lời của TS Bùi Trân Phượng là “có học đâu mà hỏi bài học”, vì sau đó những tên tuổi đó “có còn ai biết đến, có còn ai dạy nữa đâu”. Chẳng hạn, xét riêng trong lĩnh vưc văn học nửa đầu thế kỷ XX, nữ quyền không chỉ có Tự Lực Văn Đoàn, mà còn có những nhà văn khác, tác phẩm khác, và đó đều là những hoạt động đấu tranh nữ quyền vô cùng phong phú. Nhưng cuối cùng những tác phẩm ấy chỉ còn chìm khuất trong các nghiên cứu để trình luận án ở các Đại học nước ngoài.

Còn theo TS Khuất Thu Hồng, nếu để tóm tắt một câu về 100 năm nữ quyền Việt Nam, thì bà sẽ nói đó là “Tiến một bước lùi hai bước”, bởi chúng ta cứ tiến được một chút thì lại bị kéo lùi trở lại bởi những trở lực khác nhau.