Không có khoa học mở, thế giới khó mà có được các bộ kit xét nghiệm cũng như vaccine phòng COVID-19 nhanh chóng như trong thời gian vừa qua.

Thứ trưởng Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hạnh
Thứ trưởng Bộ KH&CN Bùi Thế Duy phát biểu tại hội thảo. Ảnh: Mỹ Hạnh

Tại hội thảo “Khoa học mở - Khuyến nghị của UNESCO: Cơ hội và thách thức với Việt Nam” ngày 20/10, Thứ trường Bùi Thế Duy nhận định, khoa học mở sẽ giúp chúng ta “đi xa và bền vững hơn trong việc giải quyết các vấn đề toàn cầu”.

Trong đại dịch COVID-19, nếu cộng đồng khoa học không nhanh chóng chia sẻ trình tự gen của virus corona, chúng ta sẽ không thể có bộ kit xét nghiệm cũng như vaccine phòng bệnh trong một thời gian ngắn như vừa rồi.

“Đặc biệt, trong bối cảnh các biến thể liên tục xuất hiện, nhờ có sự chia sẻ thông tin giải trình tự gen trên cơ sở dữ liệu chung, các quốc gia đã có thể điều chỉnh chính sách và có những biện pháp phòng dịch phù hợp”, Thứ trưởng nhận định.

Hay một ví dụ khác mà tất cả những người làm trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo đều có thể thấy, đó là nếu không có sự chia sẻ dữ liệu hay các công cụ xử lý AI thì lĩnh vực này không thể phát triển với nhanh như vậy trong thời gian gần đây.

“Trước đây, một nhóm nghiên cứu có thể mất vài năm trời để xây dựng một bộ công cụ xử lý dữ liệu lớn thì hiện nay, từ học sinh, sinh viên đã có thể sử dụng các công cụ mở để xử lý dữ liệu, tạo ra sản phẩm trí tuệ nhân tạo. Đây là một trong những ví dụ rõ nét nhất cho thấy cả người chia sẻ và được chia sẻ đều thừa hưởng những kết quả tích cực từ khoa học mở”, Thứ trưởng cho biết.

Tại hội thảo, nhiều vấn đề liên quan đến khoa học mở như truy cập mở, quyền sử dụng các tài nguyên mở cũng được thảo luận.

Chuyên gia Lê Trung Nghĩa (Ban Tư vấn Phát triển giáo dục mở, Hiệp hội Các trường đại học, cao đẳng Việt Nam) cho rằng, một trong những thách thức đối với khoa học mở tại Việt Nam hiện nay nằm ở vấn đề pháp lý. "Nếu nhà nước không có chính sách về cấp phép mở thì không thể nào có tài nguyên mở được", ông nói.

Chẳng hạn, các đề tài nghiên cứu sử dụng kinh phí của nhà nước cần được cấp phép mở, đồng thời làm rõ các quyền của người dùng đối với các kết quả này ở mức độ nào, tránh nguy cơ bị kiện.

Hay đối với các tài liệu, tác phẩm thuộc phạm vi công cộng, khi số hóa thì phiên bản số của nó cũng phải nằm trong phạm vi công cộng chứ không thể thuộc quyền sở hữu của một cá nhân, tổ chức nào.

Trong bối cảnh thế giới đang hướng tới Khuyến cáo Khoa học Mở của UNESCO, Thứ trưởng Bùi Thế Duy đề nghị, cần tiếp tục tổ chức các buổi thảo luận với các chuyên gia về những vấn đề còn đang vướng mắc trong thời gian vừa qua như vấn đề đánh giá chất lượng tạp chí truy cập mở công bố mở; vấn quyền tác giả, luật sở hữu trí tuệ; cũng như mức độ sẵn sàng cho khoa học mở của các tổ chức và các nhà nghiên cứu Việt Nam.