Việc sử dụng nhiều công nghệ mới là một trong những chiến thuật phát triển phổ biến nhất cho các doanh nghiệp giáo dục sau giai đoạn Covid-19.

Thông tin trên do bà Viên Lê - Quản lý chiến lược kinh doanh tại Việt Nam của Facebook - đưa ra tại hội thảo trực tuyến “Số hóa Giáo dục thời Covid - Giải pháp Facebook hiệu quả cho ngành giáo dục”. Theo bà Viên Lê, đây là hệ quả của những thay đổi quan trọng trong giáo dục thời đại dịch, bao gồm sự thay đổi về thời gian, hành vi và kỳ vọng cho hành trình tiếp theo.

Các diễn giả thảo luận tại Hội thảo do Facebook và trường Đại học KHXH&NV tổ chức ngày 19/8. Ảnh: BTC

Bà cho biết, kỳ nghỉ dài do dịch bệnh đã làm đảo lộn lịch trình học thông thường, các kỳ thi bị lùi lại, các chương trình hè bị ảnh hưởng. Hành vi của người học cũng thay đổi theo, nhu cầu sử dụng nền tảng trực tuyến để trao đổi và học tập tăng lên đáng kể. Không chỉ học sinh mà cả phụ huynh, học sinh và giáo viên đều hình thành những thói quen mới về cách sử dụng công nghệ trong môi trường giáo dục.

Kết quả, ngành công nghệ giáo dục (edtech) đã có sự phát triển bùng nổ. Theo khảo sát do Comscore - đơn vị chuyên cung cấp các dịch vụ đo lường và phân tích truyền thông - tiến hành từ tháng 1 tới tháng 2/2020, số lượt xem hằng tháng của các trang web giáo dục đã tăng hơn gấp đôi (103%), và tăng gần gấp 3 (292%) với các trang web về giáo dục dành cho trẻ em và phụ huynh.

Còn khảo sát do HolonIQ - nền tảng cung cấp dữ liệu và phân tích sự phát triển trong thị trường giáo dục toàn cầu - thực hiện vào tháng 3/2020, đã chỉ ra việc sử dụng nhiều công nghệ mới là một trong những chiến thuật phát triển phổ biến nhất cho các doanh nghiệp giáo dục sau giai đoạn Covid-19 (trừ mô hình nhà trẻ). Yếu tố này cũng được đánh giá quan trọng hơn cả một số yếu tố cốt lõi trước đây, như đầu tư vào sản phẩm mới, thị trường, hay phương thức hoạt động, bà Viên Lê cho biết.

Với những thay đổi như vậy, các “điểm chạm” của học sinh với các tổ chức giáo dục sẽ không còn giống như cũ nữa. “Hãy tưởng tượng, điều đầu tiên khiến một học sinh biết đến một trường đại học không phải thông qua một sự kiện giao lưu của trường đó nữa mà có thể lại là khi học sinh này đang lướt facebook và nhìn thấy một video livestream giới thiệu về trường. Sau đó, bạn ấy sẽ tìm hiểu thêm các trang web khác nhau, điền vào đơn để xin tư vấn, chat với đội ngũ qua Messenger và nếu quyết định học, bạn đó cũng có thể nộp đơn trực tuyến thông qua website”, bà Viên Lê mô tả quá trình một học sinh ngày nay tiếp cận với một cơ sở giáo dục.

Để thích ứng với những thay đổi ấy, bà Viên Lê đề xuất một số giải pháp như thay đổi mô hình và cách thức hoạt động; mở rộng phân khúc thị trường ra các nhóm học sinh mà trước đây chưa tập trung đến, ví dụ như các nhóm học viên không học theo lộ trình bình thường mà chỉ mong muốn tìm kiếm các kỹ năng mới hoặc giải trí ở nhà trong và sau mùa dịch. Bên cạnh đó, bà cũng đề xuất cần coi chiến lược đa kênh là một giải pháp dài hạn chứ không chỉ mang tính thời điểm.

Hội thảo là một hoạt động trong chiến dịch trọng điểm của Facebook tại Việt Nam trong năm nay có tên “Facebook vì Việt Nam”. Ông Nguyễn Tường Huy - Giám đốc quản lý doanh nghiệp vừa và nhỏ thị trường Việt Nam của Facebook, chia sẻ, với hệ sinh thái các ứng dụng đa dạng, Facebook đã đem đến những giải pháp công nghệ giúp nhà trường thích ứng với sự thay đổi do dịch Covid-19. Facebook sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với các trường để cùng xây dựng những chiến lược giáo dục đa kênh dài hạn trong tương lai, ông Huy cho biết thêm.