Chỉ số phát triển con người của Việt Nam từ nhóm trung bình những năm 2016 - 2018 lên nhóm cao trong năm 2019 - 2020, nhưng thứ hạng của Việt Nam trong khu vực vẫn chưa được cải thiện, luôn giữ vị trí 7/11.


Ảnh: tuyengiao
Tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa nam và nữ từng bước được thu hẹp. Số năm đi học bình quân của nữ tuy vẫn thấp hơn số năm đi học của nam, nhưng đã tăng từ 8,0 năm trong năm 2016 lên 8,6 năm trong 2019. Ảnh: tuyengiao

Thông tin trên được nêu trong Báo cáo “Chỉ số phát triển con người Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020” vừa được Tổng cục Thống kê công bố, với sự hỗ trợ kỹ thuật từ UNDP.

Chỉ số phát triển con người (HDI) là một trong những chỉ tiêu tổng hợp, đo lường sự phát triển kinh tế - xã hội của một quốc gia, vùng lãnh thổ hay một địa phương do Chương trình phát triển của Liên hợp quốc (UNDP) khởi xướng từ năm 1990. Chỉ tiêu được tổng hợp dựa trên sự phát triển của con người trên 3 phương diện: Sức khỏe, giáo dục và thu nhập của quốc gia, vùng lãnh thổ hoặc địa bàn địa phương của quốc gia, vùng lãnh thổ trong kỳ quan sát.

Cụ thể, về Chỉ số sức khoẻ, tuổi thọ của người dân không ngừng tăng lên, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh năm 2016 là 73,4 năm đã tăng dần đạt 73,7 năm vào năm 2020. Trong 6 vùng, tuổi thọ trung bình tính từ lúc sinh hằng năm của Đông Nam Bộ luôn đạt mức cao nhất cả nước và Tây Nguyên có mức thấp nhất. Trong khu vực Đông Nam Á, chỉ số sức khỏe của Việt Nam đứng ở vị trí 5/11 quốc gia, cao hơn thứ hạng của HDI. Như vậy, Chỉ số sức khỏe có đóng góp lớn trong cấu phần HDI của cả nước.

Về Chỉ số giáo dục, Chỉ số giáo dục tính trên 2 chỉ tiêu đầu vào là số năm đi học bình quân và số năm đi học kỳ vọng. Số năm đi học bình quân của cả nước những năm 2016 - 2020 tiếp tục xu hướng tăng của các giai đoạn trước. Tình trạng bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục giữa nam và nữ từng bước được thu hẹp. Tuy nhiên, theo thứ hạng, chỉ số giáo dục của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 đứng thứ 7/11 quốc gia Đông Nam Á. Kết quả này cho thấy, mặc dù Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ dân số biết chữ cao; nhưng khả năng tiếp cận giáo dục vẫn còn hạn chế; đặc biệt là cơ hội đến trường của trẻ em trong độ tuổi đi học.

Về Chỉ số thu nhập, tính chung 4 năm 2016 - 2020, Chỉ số thu nhập cả nước tăng 6,4%, bình quân mỗi năm tăng gần 1,6%, gấp trên 2 lần tốc độ tăng bình quân chung của khu vực Đông Nam Á. Tuy nhiên, Chỉ số thu nhập của Việt Nam những năm vừa qua chỉ cao hơn Myanmar, Đông Timor và Campuchia; tương đương Lào.

ảnh
HDI của một số tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương năm 2020. Chỉ số HDI của Hà Nội dẫn đầu cả nước liên tục từ năm 2016 đến 2020.

Nhìn chung, theo báo cáo, “trong giai đoạn 2016 - 2020, kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và sự phát triển con người nói riêng đạt được những thành tựu quan trọng", chỉ số tổng hợp HDI của cả nước đã tăng từ 0,682 năm 2016 lên 0,706 năm 2020. Theo đó, HDI của cả nước đã từ nhóm trung bình những năm 2016 - 2018 lên nhóm cao trong năm 2019 - 2020. Thứ hạng HDI của Việt Nam tăng từ vị trí 118 năm 2016 lên vị trí 117 năm 2019 trong tổng số 180 quốc gia, vùng lãnh thổ thế giới.

Mặc dù có sự thăng hạng, chỉ số HDI của Việt Nam vẫn thấp hơn mức bình quân của các quốc gia Đông Nam Á: năm 2016 thấp hơn 0,026; 2017 thấp hơn 0,023; 2018 thấp hơn 0,021 và đến năm 2019 vẫn thấp hơn 0,003. Trong những năm 2016 - 2019, chỉ số HDI của Việt Nam chưa có sự cải thiện thứ hạng trong khu vực, luôn ở vị trí 7/11 quốc gia Đông Nam Á; chỉ xếp trên Đông Timor, Lào, Campuchia và Myanmar; thấp hơn Singapore, Brunei, Malaysia, Thái Lan, Philippines và Indonesia.

Theo Tổng cục Thống kê, "thực trạng HDI của Việt Nam giai đoạn 2016 - 2020 bộc lộ một số vấn đề cần xử lý, khắc phục". Mức độ tăng và tốc độ tăng HDI của cả nước và hầu hết các địa phương đều thấp. Thậm chí HDI của một số địa phương, trong đó có các thành phố lớn, các trung tâm công nghiệp, dịch vụ có dấu hiệu chững lại. HDI giữa các địa phương có sự chênh lệch lớn và khoảng cách chênh lệch chậm được thu hẹp.