Đây là kết quả do các nhà khoa học ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, Trường ĐH Giáo dục (ĐHQGHN) và Trường ĐH Dược Hà Nội mới công bố trong bài báo “Highly adsorptive removal of antibiotic and bacteria using lysozyme protein modified nanomaterials” trên Journal of Molecular Liquids.

Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng liều lượng có thể gây ra nhiều tác hại khôn lường. Ảnh Tepbac
Việc sử dụng kháng sinh bừa bãi, không đúng liều lượng có thể gây ra nhiều tác hại khôn lường. Ảnh Tepbac

Nanosilica là chất hấp phụ từ vỏ trấu thường dùng để xử lý các chất ô nhiễm hữu cơ. Tuy nhiên, nanosilica không có khả năng xử lý trực tiếp các chất ô nhiễm cao như kháng sinh, thuốc trừ sâu. Do vậy, các nhà khoa học đã kết hợp nanosilica với lysozyme, một loại enzyme có hoạt tính kháng khuẩn, có nhiều trong lòng trắng trứng. Cụ thể, nhóm nghiên cứu đã tổng hợp vật liệu nanosilica biến tính lysozyme bằng cách sử dụng dung dịch đệm pH10, thời gian tiếp xúc là 120 phút, liều lượng nanosilica là 10mg/ml và KCl có nồng độ 1mM. Họ đã dùng chất hấp phụ này để loại bỏ kháng sinh levofloxacin và vi khuẩn E.coli trong nước. Tỉ lệ ứng dụng tối ưu là 10mg/ml chất hấp phụ trong thời gian 90 phút với nồng độ pH8.

Kết quả thử nghiệm cho thấy, vật liệu nanosilica biến tính lysozyme có khả năng loại bỏ hơn 60% kháng sinh levofloxacin, và hơn 90% vi khuẩn E.coli, cao hơn rất nhiều so với các vật liệu khác. Theo nhóm nghiên cứu, chất hấp phụ sinh học này có nhiều tiềm năng ứng dụng để loại bỏ kháng sinh và vi khuẩn trong nước.