Tinh chất lá tía tô đã được hai bạn học sinh trường THPT Nhân Việt sử dụng trong việc chế tạo băng gạc cầm máu phục vụ cho y tế.

Từ lâu, lá tía tô đã được nhân dân ta sử dụng nhiều trong đời sống sinh hoạt hàng ngày. Ngoài các công dụng như giải cảm phong hàn, giải độc hay chế biến các món ăn, tía tô còn có khả năng cầm máu tương đối tốt.

Vậy làm cách nào để có thể áp dụng một cách tốt nhất khả năng cầm máu của lá tía tô? Trả lời câu hỏi đó, hai bạn học sinh Nguyễn Trần Nhật Tân và Đoàn Nguyễn Viễn Thân, trường THPT Nhân Việt (quận Tân Phú) đã cùng nhau nghiên cứu, thực hiện quy trình khảo sát và ứng dụng thực tế đối với loại cây này trong hỗ trợ cầm máu cho băng gạc cá nhân đang sử dụng trên thị trường.

Nhật Tân cho biết, hiện nay, băng cá nhân được sử dụng để cầm máu cho các vết thương nhỏ và không quá nghiêm trọng. Thế nhưng, đối với những vết thương lớn hơn kích thước miếng băng, hiện chúng ta chưa có một sản phẩm nào hữu hiệu để sử dụng. “Do đó, bọn em đã nảy ra ý tưởng là làm sao phải tạo ra được một loại băng cá nhân lớn hơn, có khả năng cầm máu của vết thương hở mà vẫn giữ được tính chất tiện dụng, gọn nhẹ, dễ mang đi trong túi xách, ví, hộp sơ cứu…như các loại băng cá nhân thông thường”.

Viễn Thân cho biết, ban đầu, tía tô được mua về rửa sạch, nhặt lấy lá, bỏ cành và xay nhỏ bằng máy xay. Tiếp theo, lá tía tô xay nhuyễn được pha thêm dung môi ethanol 95% và cho vào bình chứa 5 lít, ngâm trong 2 ngày trong điều kiện khô ráo, thoáng mát và tránh ánh nắng mặt trời. Hai ngày sau, tiến hành lọc lấy dịch chiết, thay dung môi mới và ngâm tiếp trong hai ngày.

“Ở bước tiếp theo, bọn em có hai lựa chọn để thực hiện, một là để dung môi bay hơi trong 10 ngày trong bình chứa có mặt thoáng rộng cho đến khi dịch chiết trở nên đặc, sánh. Phương pháp này tuy đơn giản, dễ làm nhưng lại phải chờ đợi trong thời gian khá dài.

Ngoài ra, cũng có thể sử dụng phương pháp cô quay làm bay hơi cồn dựa trên áp suất và nhiệt. Phương pháp này làm bay hơi cồn nhanh trong vài tiếng, nhưng đòi hỏi phải có máy cô quay”, Viễn Thân chia sẻ.

Lá tía tô được xay nhỏ trước khi tiến hành thu dịch chiết
Lá tía tô được xay nhỏ trước khi tiến hành thu dịch chiết

Sau khi thu được dịch chiết, dung dịch này sẽ bược bơm vào tấm gạc y tế để tiến hành thử nghiệm khả năng cầm máu của mình.

Nhật Tân cho biết, sau khi thử nghiệm, kết quả cho thấy, việc sử dụng băng gạc có chứa dịch chiết từ lá tía tô có thể cầm máu sau khoảng từ 10 đến 20 giây khi nhỏ lên bề mặt thủy tinh hoặc gạc vô trùng. Trong khi ở các môi trường bình thường hoặc cồn, con số này dao động từ 1 đến 3 phút.

Theo thầy Bùi Gia Hiếu, Hiệu trưởng trường THPT Nhân Việt, viêc sử dụng tinh chất lá tía tô trong băng gạc cầm máu là một ý tưởng mới, độc đáo và tạo ra sản phẩm ứng dụng vào việc bảo vệ và chăm sóc sức khỏe con người. Đặc biệt, đây là vật liệu có nguồn gốc thiên nhiên, an toàn, thân thiện với môi trường nên có thể sử dụng mà không phải quá lo lắng nhiều. Trong thời gian tới, trường sẽ hỗ trợ các em trong việc phát triển đề tài cũng như thương mại hóa sản phẩm.

Được biết, trong cuộc thi Khoa học kỹ thuật cấp TP dành cho học sinh trung học 2015 – 2016, đề tài chế tạo băng gạc cầm máu từ tinh chất lá tía tô đã xuất sắc giành giải nhất và trở thành 1 trong 18 đề tài tham dự vòng thi cấp quốc gia được tổ chức tại Đồng Nai trong thời gian tới.