Chỉ cần lấy máu của bệnh nhân bị ung thư, lọc lấy các tế bào miễn dịch để nuôi cấy cho phát triển tăng thêm hàng nghìn lần, sau đó truyền lại cơ thế bệnh nhân như truyền máu bình thường để tiêu diệt tế bào thư, kéo dài thêm sự sống cho bệnh nhân.

GS-TS Nguyễn Thanh Liêm - Giám đốc Bệnh viện đa khoa quốc tế Vinmec (BVĐKQT) - Times City đã chia sẻ với phóng viên Báo Khoa học và Phát triển bên lề hội thảo “Ứng dụng liệu pháp miễn dịch điều trị ung thư” tổ chức ngày 27/10 tại Hà Nội.

Tăng cường sức đề kháng cho bệnh nhân ung thư

Nói về kỹ thuật này, GS-TS Nguyễn Thanh Liêm cho biết, có thể hiểu một cách nôm na, giống như một quốc gia khi chống lại quân xâm lược bên ngoài, nếu lực lượng bên trong không mạnh sẽ phải mượn quân bên ngoài vào. Với bệnh nhân ung thư cũng vậy, khi điều trị bằng hóa chất và xạ trị rất giống như việc mượn quân bên ngoài để đánh, có thể sẽ giết nhầm cả tế bào khỏe mạnh.

“Như vậy, cách tốt nhất là làm cho lực lượng bên trong khỏe lên, tốt lên để chiến đấu. Còn đối với bệnh nhân ung thư thì tìm cách làm cho hệ thống miễn dịch của họ khỏe lên bằng liệu pháp cấy tế bào miễn dịch nhiều lên” - GS Liêm chia sẻ.

Các hệ tế bào miễn dịch luôn nằm trong cơ thể. Ở người khỏe mạnh, hệ thống này có số lượng và chất lượng rất tốt, nhưng ngược lại ở những bệnh nhân ung thư thì rất kém.

Giải pháp được thực hiện là lấy máu, lọc các tế bào miễn dịch đưa vào phòng thí nghiệm để nuôi cấy cho tăng lên hàng nghìn lần và truyền lại vào cơ thể bệnh nhân để tăng cường tế bào miễn dịch khỏe mạnh.

Kỹ thuật lọc máu phải đảm bảo trong điều kiện vô trùng tuyệt đối với những trang thiết bị chuyên dụng
Kỹ thuật lọc máu phải đảm bảo trong điều kiện vô trùng tuyệt đối với những trang thiết bị chuyên dụng

Nhiều nghiên cứu trên thế giới đã chứng minh: Những người có hệ miễn dịch tự nhiên mạnh mẽ sẽ có khả năng mắc ung thư thấp hơn; hoặc ngay cả khi mắc ung thư, cơ thể cũng có khả năng chống chọi với bệnh tật tốt hơn. Từ đó, các nhà khoa học trên thế giới đã nghiên cứu phương pháp điều trị ung thư bằng điều trị tăng cường miễn dịch tự thân.

Khi phối hợp với các phương pháp điều trị ung thư truyền thống (phẫu thuật, xạ trị, hóa trị), các bác sĩ thấy có thể tăng mức độ nhạy cảm của tế bào ung thư với xạ trị, giảm kháng trị với thuốc, ngăn chặn tế bào ung thư di căn.
Theo GS Liêm, tất cả các loại ung thư đều có thể áp dụng phương pháp điều trị này, tuy nhiên có chống chỉ định ở những người có mắc các bệnh tự miễn. Kết quả điều trị tỏ ra khả quan: Khi phối hợp với liệu pháp tăng cường miễn dịch làm tăng 25–30% hiệu quả điều trị ung thư.

Riêng đối với bệnh nhân ung thư máu thì vẫn cần xem xét và nghiên cứu thêm. Bản thân ung thư máu tế bào miễn dịch của bệnh nhân cũng bị bệnh, cho nên với những bệnh nhân này, người ta phải lấy tế bào miễn dịch của cơ thể khác để nuôi cấy tăng sinh lên để chuyển cho người bệnh.

“Đương nhiên cách làm này sẽ liên quan đến yếu tố hòa hợp. Còn lại các bệnh ung thư dạ dày, thực quản, đại tràng, gan, tụy… qua các kết quả nghiên cứu của Nhật Bản cho thấy áp dụng liệu pháp này rất tốt” - GS Liêm chia sẻ.

Theo GS Jean Pierre Mareolleau - Trưởng khoa Huyết học và Liệu pháp tế bào, Bệnh viện Đại học Amiens-Piecardie, cơ sở SUD (Pháp), với liệu pháp ghép tế bào tự thân sẽ giúp bệnh nhân sống thêm hoặc sinh thêm tế bào khỏe mạnh, không tái phát tế bào bị bệnh.

“Ghép tế bào tự thân nên áp dụng cho bệnh nhân dưới 72 tuổi” - GS Jean Pierre khuyến cáo.

Tháng 12/2015 sẽ áp dụng ở Việt Nam

ThS Đoàn Trung Hiệp - Phó trưởng khoa Ung bướu, BVĐKQT Vinmec - cho biết: Năm 1999, tại Nhật Bản, lần đầu tiên tạo ra thành công môi trường nuôi cấy tế bào miễn dịch. Từ đó, rất nhiều quốc gia trên thế giới đã bắt đầu nghiên cứu áp dụng liệu pháp tăng cường miễn dịch tự thân điều trị ung thư. Từ năm 2012–2014, đã có khoảng 7.000 bệnh nhân ung thư được điều trị bằng phương pháp này. Đến nay, con số bệnh nhân ung thư được điều trị bằng miễn dịch tự thân đã tăng lên 13–14 nghìn người.

Trước khi hóa trị hoặc xạ trị, phẫu thuật, bệnh nhân ung thư sẽ được lấy 50–70ml máu ngoại vi từ tĩnh mạch, sau đó được đưa vào labo nuôi cấy trong 15-20 ngày để tăng sinh được lên 80–200 lần, sau đó sẽ truyền lại cho bệnh nhân. Kết quả mỗi lần nuôi cấy có thể truyền cho bệnh nhân 2 lần.

Với bệnh nhân đang xạ trị, có thể tiến hành truyền lại cho bệnh nhân sau 1h xạ trị hoặc trước khi bệnh nhân xạ trị 1h. Với hóa trị là 72h sau khi kết thúc truyền hóa chất.

Theo GS Liêm, hiện BVĐKQT Vinmec đã chuẩn bị xong các thiết bị, phòng thí nghiệm, đảm bảo vô trùng tuyệt đối vì kỹ thuật này đòi hỏi rất nghiêm ngặt và những trang thiết bị chuyên dụng. Dự kiến tháng 12/2015 sẽ đưa vào áp dụng điều trị cho các bệnh nhân ung thư ngay tại Việt Nam.

“Một liệu trình điều trị tại Nhật Bản khoảng 12.000USD, nhưng nếu điều trị theo liệu pháp này tại Việt Nam thì chi phí chắc chắn sẽ giảm đi”, ông Liêm nói.