Trung tâm Vũ trụ Việt Nam (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã phối hợp với Học viện Kỹ thuật quan sự tổ chức Ngày hội CanSat 2017-2018 tại Hà Nội với chủ đề "Giám sát chất lượng tầng không khí".

Các đội tham gia cuộc thi Cansat 2017 - 2018

Đây là lần thứ ba cuộc thi CanSat được tổ chức tại Việt Nam với mục tiêu nhằm giúp các kỹ sư tương lai có cái nhìn tổng quát, làm quen với quy trình phát triển vệ tinh từ phân tích thiết kế ý tưởng, thiết kế chế tạo, thử nghiệm và vận hành; đồng thời kích thích sức sáng tạo của các kỹ sư trẻ trong việc đưa các ứng dụng của công nghệ chế tạo vệ tinh vào thực tế đời sống.

Đây được coi là tiền đề cho việc phổ cập và phát triển ngành công nghệ chế tạo vệ tinh tại Việt Nam.

Một sản phẩm dự thi Cansat 2017 - 2018. Ảnh: Báo Công Thương
Một sản phẩm dự thi Cansat. Ảnh: Báo Công Thương

Với chủ đề "Giám sát chất lượng tầng không khí", cuộc thi đã thu hút đông đảo các bạn sinh viên đến từ nhiều trường đại học trong cả nước.

Trải qua 2 phần thi, cuối cùng ban tổ chức đã chọn được 3 đội, bao gồm giải nhất thuộc về đội FIMO (Trung tâm công nghệ tích hợp liên ngành giám sát hiện trường) thuộc Trường Đại học Công nghệ - Đại học Quốc gia Hà Nội với giải thưởng trị giá 5 triệu đồng và hai suất học bổng trị giá 16 triệu đồng/suất; giải nhì thuộc về đội UNI – INSPIRATION đến từ Câu lạc bộ Lập trình nhúng (CEEC) – khoa Kỹ thuật máy tính, Trường Đại học Công nghệ Thông tin – Đại học Quốc gia thành phố Hồ Chí Minh và giải ba thuộc về đội YCC – KIO đến từ Trường Đại học Công nghệ Giao thông Vận tải.

Cansat, hay còn gọi là vệ tinh tí hon, là một mô hình mô phỏng thực tế của vệ tinh sử dụng trên quỹ đạo. Khối lượng của Cansat khoảng 1kg, được tích hợp trong một khung cấu trúc nhỏ, có kích thước bằng một lon nước. Do môi trường sử dụng gần mặt đất, nên các yêu cầu về sức bền, giao tiếp, nguồn… được giảm bớt. Tuy nhiên, hệ thống của một vệ tinh loại tí hon này bao gồm đầy đủ các phân hệ thiết yếu như: nhiệm vụ, điều khiển, truyền thông, nguồn…

Quá trình hoạt động của Cansat tương tự như đối với các vệ tinh sử dụng ngoài không gian: sau khi được phương tiện phóng đưa lên độ cao quỹ đạo thích hợp; vệ tinh sẽ tách khỏi phương tiện phóng (bằng cơ cấu chấp hành của vệ tinh hoặc của phương tiện phóng); sau một khoảng thời gian, các hệ thống của vệ tinh được kích hoạt và thực hiện kịch bản hoạt động, nhiệm vụ vệ tinh như đã được thiết kế.