Đây là nhận định của Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) Phạm Công Tạc tại hội thảo khoa học “Trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân: Các khía cạnh kinh tế xã hội và khoa học kỹ thuật” tổ chức sáng 10/2, tại trụ sở Bộ KH&CN.

“Tại Việt Nam, lò phản ứng Đà Lạt tuy có công suất nhỏ nhưng đã đóng vai trò to lớn trong việc xây dựng đội ngũ cán bộ KH&CN Việt Nam cũng như các ứng dụng trong nông nghiệp, y tế và nhiều ngành công nghiệp khác. Tuy nhiên, cùng với sự phát triển của nền kinh tế, lò phản ứng với công suất 0,5MWt này không còn đáp ứng được yêu cầu phát triển của đất nước. Điều này đặt ra vấn đề có cần thiết xây dựng một lò nghiên cứu mới với công suất lớn hơn hay không” - Thứ trưởng Phạm Công Tạc nói. Ông cho biết, cá nhân ông thấy việc xây dựng trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân là vô cùng cần thiết, đáp ứng được nhiều yêu cầu về kinh tế, nông nghiệp, xã hội, y tế cũng như đào tạo nguồn nhân lực phục vụ nhiều khía cạnh cuộc sống.

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại Hội thảo.
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Phạm Công Tạc phát biểu tại hội thảo.

Trong bài phát biểu của mình, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Liên bang Nga tại Việt Nam Konstatin Vnukov cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thành lập một trung tâm KH&CN hạt nhân trong sự phát triển hội nhập của Việt Nam.

Tiến sỹ Trần Chí Thành - Viện trưởng Viện Năng lượng nguyên tử Việt Nam - cho rằng việc thành lập trung tâm khoa học và công nghệ hạt nhân giúp phục vụ một số mục tiêu nghiên cứu cơ bản, nghiên cứu ứng dụng, khoa học vật liệu, công nghệ sinh học, sản xuất đồng vị phóng xạ cho y tế và xuất khẩu sang nước xung quanh, sản xuất các nguồn phóng xạ và chiếu xạ Silic, đẩy mạnh ứng dụng năng lượng nguyên tử trong các lĩnh vực khác cũng như đào tạo nhân lực cho ngành hạt nhân.

Quang cảnh buổi Hội thảo.
Quang cảnh buổi hội thảo.

Trình bày dự án thành lập trung tâm, tiến sỹ Thành cho biết trung tâm sẽ vận hành một lò phản ứng đa chức năng thuộc lò nghiên cứu làm mát bằng nước với công suất lên tới 15 MW cùng với các cơ sở nghiên cứu và phòng thí nghiệm, tổ hợp kỹ thuật và các trang thiết bị cần thiết nhằm đảm bảo việc vận hành an toàn.

Tại hội thảo, một số đại biểu bày tỏ sự lo ngại về vấn đề an ninh của lò phản ứng nghiên cứu. Tuy nhiên, theo ông Sergey Musaelyan - Giám đốc về các lò nghiên cứu cỡ nhỏ và trung bình công ty Rusatom Overseas (Nga), xác xuất xảy ra sự cố với lò phản ứng nghiên cứu là rất nhỏ. Hiện thế giới có khoảng 250 lò phản ứng, với xác xuất này thì cần vận hành khoảng 4.000 năm mới có một sự cố xảy ra. Bên cạnh đó, quá trình xây dựng lò đều phải tuân theo những quy chuẩn vô cùng nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn.

Giải đáp băn khoăn về địa điểm xây dựng lý tưởng của trung tâm, đại diện Tập đoàn Năng lượng nguyên tử quốc gia Nga (ROSATOM) khuyến cáo là không nên quá xa thành phố, gần sân bay quốc tế, nơi tập trung nhiều đối tượng có thể sử dụng sản phẩm của trung tâm như bệnh viện, viện nghiên cứu…