Thanh niên chính là “rường cột của nước nhà” và là “một trong những nhân tố quyết định sự thành bại của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước...”

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Chu Ngọc Anh tại Diễn đàn “Thúc đẩy thanh niên sáng tạo, khởi nghiệp đổi mới sáng tạo” do Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) và Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp tổ chức ngày 10/12, trong khuôn khổ các hoạt động của Đại hội đại biểu toàn quốc Đoàn TNCS Hồ Chí Minh lần thứ XI, nhiệm kỳ 2017 – 2022.

Một số nội dung nổi bật được thảo luận tại Diễn đàn là phát huy vai trò của thanh niên, trí thức trẻ Việt Nam trong nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; chính sách đào tạo, sử dụng và trọng dụng cán bộ khoa học, nhất là cán bộ trẻ có trình độ cao; thúc đẩy hoạt động sáng tạo của thanh thiếu niên; cơ chế phát triển các nhóm nghiên cứu trẻ, tiềm năng từ các trường đại học, viện nghiên cứu làm hạt nhân hình thành các doanh nghiệp KH&CN khởi nguồn từ kết quả nghiên cứu; cơ chế hỗ trợ, chuyển giao ứng dụng KH&CN cho những doanh nghiệp khởi nghiệp đổi mới sáng tạo (ĐMST)...

Nhóm sinh viên Đại học Bách khoa Hà Nội làm nghiên cứu. Ảnh: Phượng Hằng

Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cho biết Bộ KH&CN luôn nhận thức rõ tầm quan trọng của các nhà khoa học trẻ nói riêng, đội ngũ thanh niên nói chung. Vì vậy, Luật KH&CN năm 2013 đã quy định cụ thể các chính sách đãi ngộ cho các nhà khoa học trẻ tài năng. Các nhà khoa học trẻ cũng được tạo điều kiện, cơ hội để có quyền tham gia tuyển chọn, thực hiện đề tài khoa học các cấp, đề tài nghiên cứu cơ bản, được hỗ trợ kinh phí để tham dự các hội thảo, hội nghị khoa học trong nước và quốc tế, nắm bắt kịp thời những thành tựu khoa học, tiến bộ kỹ thuật tiên tiến trên thế giới.

Bên cạnh đó, Bộ KH&CN đã phối hợp với Trung ương Đoàn ký kết các Chương trình hành động, Nghị quyết liên tịch với mục đích hỗ trợ, phát huy vai trò của tuổi trẻ trong học tập, nghiên cứu, ứng dụng KH&CN; tổ chức giải thưởng, hội thi; xây dựng các câu lạc bộ, vườn ươm để tạo điều kiện cho các bạn trẻ những sân chơi mang tính tri thức, trí tuệ cao; duy trì, bồi dưỡng, phát huy nguồn lực; hỗ trợ các ý tưởng, sản phẩm sáng tạo của thanh niên...

Đồng chí Nguyễn Phi Long - Bí thư Trung ương Đoàn cho biết, 5 năm tới Đoàn sẽ hỗ trợ 1.000 dự án khởi nghiệp trong thanh niên. Nhưng ông nhấn mạnh, "với doanh nghiệp ĐMST, tiền không phải là quan trọng nhất, mà tri thức mới là nền tảng”. Trên thực tế ở Việt Nam, không chỉ đa số thanh niên mà phần lớn sinh viên trong các trường đại học chưa được cung cấp các tri thức và đào tạo các kỹ năng cần thiết về khởi nghiệp. Vì vậy, Nghị quyết số 35/NQ-CP, ngày 16/5/2016 của Chính phủ về hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp đến năm 2020 đã yêu cầu các cơ sở giáo dục đại học phải chú trọng và đưa nội dung khởi nghiệp vào chương trình đào tạo.

Để thực hiện mục tiêu trên, anh Bùi Huy Toàn – Bí thư Đoàn trường Đại học Hùng Vương (Phú Thọ), nơi tổ chức nhiều chương trình ngoại khóa về khởi nghiệp và các cuộc thi về ý tưởng khởi nghiệp trong thời gian qua – kiến nghị “các trường cần có đội ngũ giảng viên có kinh nghiệm, nhiệt huyết, được đào tạo, tập huấn chuyên sâu về khởi nghiệp để giảng dạy, định hướng, truyền cảm hứng khởi nghiệp cho sinh viên”.

Triết lý giáo dục cũng cần thay đổi, “thay vì chỉ đào tạo sinh viên trở thành người có khả năng chuyên môn cao để xin việc thì còn phải dạy các em cách để khởi nghiệp”, anh Toàn nói.

Tuy nhiên, thay đổi quan trọng nhất phải đến từ sự chủ động của chính bản thân thanh niên. Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng “chúng ta đang trong nền kinh tế chuyển đổi, các bạn trẻ cũng cần nắm bắt cơ hội, thay đổi tư duy, cập nhật quy định mới về cơ chế chính sách, để vận dụng vào hoạt động nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao công nghệ”.

Cũng tại Diễn đàn, một số đại biểu đề xuất nên thiết kế một website giống như diễn đàn ba miền để thanh niên nói riêng, cộng đồng xã hội nói chung có thể chủ động kết nối, trao đổi, tìm kiếm công nghệ cũng như chia sẻ các kinh nghiệm về khởi nghiệp ĐMST.