Mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp hữu cơ.

Tiến sỹ Trần Thanh Nam - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.

Việt Nam là đất nước có diện tích canh tác trên đầu người thuộc loại thấp nhất thế giới, trong khi dân số tăng nhanh. Do vậy, mục tiêu của đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp là phát triển một nền nông nghiệp bền vững và thân thiện với môi trường, nâng cao năng suất và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp, trong đó có nông nghiệp hữu cơ (NNHC).

Rất nhiều giải pháp phát triển NNHC đã được đề xuất, trao đổi. Tuy nhiên, chúng chỉ có thể phát huy hiệu quả khi được tiến hành một cách đồng bộ.

Điều đầu tiên cần làm là quy hoạch và bảo vệ đất đai, nguồn nước chưa hoặc ít bị ô nhiễm, vẫn còn thích hợp cho sản xuất NNHC theo hướng hàng hóa. Đồng thời, cần hoàn thiện hệ thống chính sách về tiêu chuẩn, quy chuẩn sản xuất, chế biến, chứng nhận chất lượng, thanh tra, giám sát... liên quan đến NNHC; giúp người tiêu dùng an tâm khi sử dụng các sản phẩm đã có chứng nhận và đạt tiêu chuẩn chất lượng.

Một số giải pháp khác cũng cần được thực hiện cùng lúc: Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sản xuất, kinh doanh thực phẩm hữu cơ, phân bón hữu cơ, phân sinh học, vi sinh, chế phẩm bảo vệ thực vật sinh học; xây dựng thương hiệu, phát triển thị trường và quảng bá sản phẩm hữu cơ Việt Nam; tăng cường công tác đào tạo, hợp tác quốc tế về NNHC; nâng cao năng lực và thúc đẩy tiêu thụ hàng hóa, phát triển sản phẩm theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến tiêu thụ.

Trong câu chuyện này, vấn đề tăng cường năng lực hoạt động của Hiệp hội NNHC Việt Nam thông qua các doanh nghiệp có mô hình thành công cũng rất quan trọng. Việc này sẽ giúp doanh nghiệp quảng bá, giới thiệu sản phẩm; hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận các công nghệ mới và nhất là các quy chuẩn, tiêu chuẩn của các nước nhập khẩu.

Ngoài ra, cần nhanh chóng nâng cao năng lực của các tổ chức chứng nhận và đội ngũ sản xuất trong lĩnh vực NNHC theo hướng xã hội hóa; đẩy nhanh việc xây dựng hành lang pháp lý trong khâu công nhận, chứng nhận sản phẩm hữu cơ, đảm bảo sự minh bạch trong sản xuất NNHC. Có như vậy mới mong giúp sản phẩm hữu cơ khẳng định chất lượng và có chỗ đứng tại thị trường trong nước và xây dựng thương hiệu trên thị trường thế giới.