Campuchia khó tận dụng được những cơ hội mà cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 mang lại bởi sự thiếu hụt về nguồn nhân lực chất lượng cao. Để giải quyết được vấn đề, quốc gia này cần phải đầu tư nhiều hơn cho KH&CN và giáo dục.

Tại Hội nghị Triển vọng Campuchia 2018 vào tháng 3/2018 vừa qua, khi đề cập đến các vấn đề KH&CN đang nóng hiện nay như robot, lò phản ứng hạt nhân và trí tuệ nhân tạo…, các diễn giả đều cho rằng Campuchia chậm phát triển các công nghệ này so với nhiều quốc gia khác trong khu vực.

Thủ tướng Hun Sen cũng đồng ý với nhận định này và cam kết sẽ tăng cường đầu tư hơn nữa vào KH&CN. Năm 2015, Campuchia mới chỉ đầu tư 0,12 % GDP vào nghiên cứu KH&CN trong khi ở Thái Lan và Malaysia, con số này lần lượt là 0,63% và 1,3%. Thủ tướng Hun Sen hứa sẽ đưa mức đầu tư KH&CN lên con số 0,2% vào năm 2020, và thúc đẩy đầu tư lên đến 1% vào năm 2025, thậm chí là 1,5% vào năm 2030.

Campuchia hướng đến nền kinh tế số năm 2023

Nhấn mạnh tầm quan trọng của KH&CN với sự phát triển kinh tế đất nước trong tương lai, ông Hun Sen kêu gọi sự hợp tác công tư trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu để đất nước chuyển đổi sang nền kinh tế - xã hội dựa nhiều vào công nghệ hơn. “Sự phát triển của hệ thống cơ sở hạ tầng vật chất có vai trò quan trọng trong hỗ trợ phát triển và tăng trưởng kinh tế. KH&CN đóng vai trò hết sức quan trọng với Campuchia để tăng sức cạnh tranh và đa dạng hóa nền kinh tế trong tương lai”, ông nói, đồng thời nêu Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Singapore, Philippines, Thái Lan và Malaysia như những mô hình kiểu mẫu về cách áp dụng thành công KH&CN vào phát triển kinh tế.

TS. Mey Kalyan, Viện trưởng Viện Nghiên cứu các nguồn lực phát triển Campuchia (CDRI) – một thinktank của chính phủ, cũng chia sẻ quan điểm này: “KH&CN giúp phát triển toàn diện xã hội, không riêng gì kinh tế. Là một quốc gia đang phát triển như Campuchia, KH&CN cần phải được ưu tiên”.

TS. Reasmey Tan, nhà nghiên cứu Khoa Kỹ thuật hóa học và công nghệ thực phẩm tại Viện Công nghệ Campuchia, là một trong số ít các nhà khoa học Campuchia bắt đầu giành được thành công trong nghiên cứu. Nguồn: US Mission to ASEAN

Theo thông tin từ Bộ Bưu chính viễn thông Campuchia, quốc gia này đang đặt mục tiêu hoàn thành kế hoạch chuyển đổi sang nền kinh tế số vào năm 2030. Bộ trưởng Bộ Bưu chính viễn thông Tram Iv Tek cho biết, họ đặt mục tiêu đạt phủ sóng băng thông rộng hoàn toàn khu vực thành thị và ít nhất 70% khu vực nông thôn vào năm 2020. Họ muốn ít nhất 80% người Campuchia có thể truy cập internet trong vòng 2 năm nữa.

Một trong những lợi thế ít ỏi hiện nay của Campuchia là 30% dân số dưới độ tuổi 30 – yếu tố giúp Campuchia có thể dễ áp dụng công nghệ mới và tích hợp chúng vào nền sản xuất công nghiệp. Tuy nhiên, có vấn đề lớn đặt ra cho Chính phủ Campuchia lúc này, đó là cần đầu tư cho giáo dục để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực.

Mặt khác, việc chậm ứng dụng những thành tựu mới về KH&CN của Campuchia cũng do nhiều nơi trong bộ máy chính quyền vẫn còn chưa nhận thức đầy đủ những hiểu biết mới, thách thức mà nhà nước phải vượt qua. Theo ông Sok Siphana – luật sư và chủ tịch Ban giám đốc Viện CDRI, vì nguyên nhân này việc xây dựng chính sách vẫn còn chậm chạp. Ông nêu ví dụ, “chúng tôi đã đối thoại về việc viết luật thương mại điện tử vào đầu những năm 2000, bây giờ là giữa năm 2018 nhưng vẫn chưa có luật”.

Giáo dục là giải pháp tốt nhất

Dẫu vậy với một đất nước như Campuchia, việc đầu tư vào giáo dục không phải đơn giản. TS. Chhem Rethy, một thành viên trong ban giám đốc điều hành Viện CDRI, cho rằng do nguồn ngân sách hạn hẹp nên việc lựa chọn nơi nào để phân bổ ngân sách đầu tư để cải thiện một cách hiệu quả được giáo dục là điều rất khó khăn, vì vậy “cần phải nghĩ đến chuyện bắt đầu đầu tư vào hệ thống giáo dục để giảm bớt gánh nặng chi phí của chính phủ”.

Ngày hội STEM ở Campuchia. Nguồn: Phnom Penh post

Ông cũng cho biết thêm để giải quyết vấn đề lao động thiếu kỹ năng hiện nay, Campuchia cần mở thêm nhiều trường dạy nghề, thu hút được nhiều nhà đầu tư tư nhân quan tâm đến việc kết hợp với các trường dạy nghề đào tạo công nhân có kỹ năng tốt. Thông qua đó, Campuchia vừa có thể cung cấp cho lĩnh vực tư những lao động lành nghề, vừa đảm bảo cho những học viên mới tốt nghiệp những chỗ làm ổn định.

Từ góc nhìn của một nhà quản lý, ông Desmond Tay – giám đốc điều hành công ty công nghệ vCargo Cloud ở Singapore nhận định: “Sự tăng trưởng của nền kinh tế liên hệ chặt chẽ với sự tăng trưởng của KH&CN. Muốn lĩnh vực này phát triển, dù nhất thiết phải có sự tham gia đầu tư của các công ty tư nhân nhưng vẫn cần sự nỗ lực hợp tác chặt chẽ của các nhà nghiên cứu và các cơ quan chính phủ”.

Việc thành lập những trường dạy nghề là giải pháp trước mắt, về lâu dài Campuchia cũng bắt đầu hướng học sinh quan tâm đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) với chương trình mới được triển khai từ năm 2014, Ngày hội KH&KT quốc gia. Tổ chức lần thứ hai vào năm 2018, với 10.000 học sinh đến với Ngày hội, số lượng người tham gia tăng lên gấp đôi so với lần tổ chức lần thứ nhất cách đây 4 năm. Allen Dodgson Tan, giám đốc STEM Campuchia cho biết, những khoa có giảng dạy khoa học, công nghệ, kỹ thuật thuộc các trường đại học ở Campuchia đều phản hồi rằng số lượng sinh viên theo học đã tăng lên nhờ hoạt động STEM và “chính phủ ủng hộ vì họ hiểu tầm quan trọng của STEM với sự phát triển trong tương lai của đất nước”.