Kể từ khi Đề án Hỗ trợ Hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST quốc gia được ban hành 5 năm trước, đây là thời điểm để hệ sinh thái này tăng tốc, đẩy mạnh liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước.

Chiều 14/12, chương trình “Dấu ấn TECHFEST và WHISE 2021” đã diễn ra tại Hà Nội, kết nối trực tuyến với nhiều điểm cầu trong nước và quốc tế.

Đây là sự kiện tâm điểm nằm trong chuỗi sự kiện Ngày hội Khởi nghiệp Đổi mới sáng tạo Quốc gia TECHFEST Việt Nam 2021 lần thứ 7 do Bộ KH&CN phối hợp cùng UBND TPHCM, Bộ Ngoại giao, Phòng Thương mại Công nghiệp Việt Nam tổ chức từ tháng 9 đến tháng 12/2021, với sự đồng hành chiến lược của Tập đoàn Vingroup.

Sự kiện có sự tham dự của Thủ tướng Phạm Minh Chính; Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt; lãnh đạo các ban, bộ, ngành Trung ương và địa phương; các tổ chức, tập đoàn, cá nhân, mạng lưới hỗ trợ khởi nghiệp ĐMST trong nước và quốc tế.

Phát biểu tại sự kiện, Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt cho biết, việc thay đổi để thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch bệnh Covid-19 đã trở thành điều kiện tất yếu của cuộc sống trong trạng thái bình thường mới. Bản thân chuỗi sự kiện TECHFEST cũng đã có nhiều thay đổi kịp thời để thích ứng. Hầu hết các sự kiện đã được tổ chức kết hợp cả trực tuyến và trực tiếp, thu hút hàng trăm nghìn lượt tương tác và theo dõi, gấp hàng chục lần so với chỉ tổ chức trực tiếp. Hệ thống kết nối đầu tư, triển lãm, trưng bày sản phẩm/dịch vụ cũng được triển khai theo cơ chế xã hội hóa trên cơ sở phối hợp với các đơn vị tư nhân trong hệ sinh thái, qua đó thu hút được đông đảo cộng đồng tham gia.

Thủ tướng Chính Phủ Phạm Minh Chính cùng với Bộ Trưởng Bộ KH&CN HuỳnH Thành Đạt
Thủ tướng Phạm Minh Chính cùng với Bộ trưởng Bộ KH&CN Huỳnh Thành Đạt thăm các gian hàng tại TECHFEST 2021. Ảnh: BN

Cũng theo người đứng đầu Bộ KH&CN, Việt Nam hiện có khoảng hơn 1.000 tổ chức có năng lực hỗ trợ khởi nghiệp, gồm 202 khu làm việc chung, 217 quỹ đầu tư/nhà đầu tư, 79 cơ sở ươm tạo, 40 tổ chức thúc đẩy kinh doanh;… Trên cả nước đã có trên 140 trường đại học, cao đẳng tổ chức hoạt động khởi nghiệp ĐMST. Các doanh nghiệp, tập đoàn lớn cũng tham gia vào hoạt động hỗ trợ khởi nghiệp, với vai trò là nhà đầu tư tài chính cho doanh nghiệp khởi nghiệp, giúp doanh nghiệp khởi nghiệp mở rộng thị trường đồng thời chia sẻ kinh nghiệm, tư vấn chuyên môn trong ngành, như: Vingroup, Nexttech, FPT, CMC, …

"Một trong những điểm nổi bật của Hệ sinh thái khởi nghiệp của Việt Nam là chúng ta đã từng bước hình thành các mạng lưới liên kết, thúc đẩy dòng chảy của tri thức, của công nghệ trong và ngoài nước. Chúng ta đã thiết lập được Mạng lưới hỗ trợ và phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp Việt Nam và Mạng lưới các Hội trí thức kiều bào hỗ trợ đổi mới sáng tạo và thương mại hóa công nghệ. Đây là những tiền đề quan trọng để mở rộng Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia, kết nối với các hệ sinh thái khác trong khu vực và thế giới" - ông Huỳnh Thành Đạt nói.

Ông nhấn mạnh, một trong những thành tựu mà hệ sinh thái khởi nghiệp ĐMST đạt được trong năm 2021 là thu hút được nguồn vốn hơn 1,3 tỷ USD - cao nhất từ trước tới nay.

Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Gia Chính
Bộ trưởng Huỳnh Thành Đạt phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Gia Chính

Để tăng tốc, đẩy mạnh liên kết các nguồn lực trong và ngoài nước nhằm tạo ra động lực cho sự phát triển, Bộ trưởng Bộ KH&CN đặt ra 4 đề bài cho hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

- Thứ nhất, hệ sinh thái cần có sự thay đổi tư duy trong xây dựng và phát triển, từ “đóng” sang “mở”. Mở rộng liên kết, hợp tác, khai thác nguồn lực lẫn nhau giữa các thành phần trong hệ sinh thái. Các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST cũng cần chủ động, tích cực trở thành đối tác với các chủ thể trong hệ sinh thái, thay vì chỉ là đối tượng nhận hỗ trợ.

- Thứ hai, tăng cường và phát triển hoạt động liên kết trong mạng lưới kết nối khởi nghiệp quốc gia. Kết nối các nguồn lực trong nước, quốc tế; thu hút chuyên gia, người Việt Nam thành công ở nước ngoài tham gia hỗ trợ, đầu tư cho Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

- Thứ ba,các doanh nghiệp, tập đoàn, địa phương, tổ chức chính trị - xã hội tăng cường đặt hàng, sử dụng các sản phẩm, dịch vụ của các startup, thúc đẩy phát triển thị trường sản phẩm đổi mới sáng tạo.

- Thứ tư,phát triển nền tảng đổi mới sáng tạo mở quốc gia, kết nối các thành phần trong hệ sinh thái theo mô hình mở; kết nối các dịch vụ hỗ trợ hệ sinh thái trên cùng một nền tảng, chia sẻ thông tin, dữ liệu để phát triển Hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo quốc gia.

Trong khuôn khổ Techfest quốc gia 2021, lần đầu tiên thông điệp thúc đẩy mạnh đổi mới sáng tạo được Bộ Khoa học và Công nghệ đưa ra với sự tham gia trao đổi thảo luận của nhiều chủ thể trong hệ sinh thái. Thủ tướng Chính phủ đã có những chỉ đạo, định hướng rất sát sao về thúc đẩy đổi mới sáng tạo trong mọi khía cạnh từ kinh tế xã hội, an ninh quốc gia đến phát triển bền vững. Đại diện Cục Phát triển thị trường và doanh nghiệp KH&CN (NATEC) đã ký thoả thuận hợp tác với đại diện các tập đoàn Vingroup, Sao Thái Dương, APEC, Vicoland…, theo đó, các doanh nghiệp khởi nghiệp ĐMST có cơ hội hợp tác, tham gia vào hệ sinh thái của các tập đoàn, doanh nghiệp lớn cũng như nhận được sự hỗ trợ, tư vấn về kinh nghiệm thương mại hoá sản phẩm, tập khách hàng có sẵn, vốn đầu tư…