Cường quốc an ninh mạng cũng như cường quốc quân sự, công nghiệp an ninh mạng cũng như công nghiệp quốc phòng. Việt Nam thịnh vượng trên không gian mạng thì phải biết bảo vệ mình trên không gian mạng. Vì thế, Việt Nam phải xây dựng một nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng hùng mạnh.

Đó là phát biểu của Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng tại Hội thảo – Triển lãm quốc tế Ngày an toàn thông tin Việt Nam 2020 diễn ra sáng 2/12 tại Hà Nội. Sự kiện do Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam (VNISA) phối hợp với Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) tổ chức có chủ đề “An toàn, an ninh mạng Make in Vietnam – Yếu tố then chốt trong chuyển đổi số quốc gia”.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, tính đến tháng 11/2020, Việt Nam đã làm chủ được 90% hệ sinh thái các sản phẩm an toàn, an ninh mạng phục vụ các cơ quan Đảng, nhà nước. Đến đầu năm 2021, con số này sẽ tăng lên 100%. Đây là điều rất ít nước trên thế giới làm được, vì thế Việt Nam và hiệp hội, các doanh nghiệp an toàn, an ninh mạng Việt Nam cần tự hào về điều này.

Để so sánh, theo thống kế do Cục An toàn Thông tin công bố, năm 2015, Việt Nam chỉ có 5% sản phẩm an toàn, an ninh mạng nội địa; đến năm 2019, con số này đạt 55%.

Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTX
Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng phát biểu tại hội thảo. Ảnh: TTX

Trong bài phát biểu của mình, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, cuộc di chuyển vĩ đại nhất trong lịch sử nhân loại là cuộc di chuyển từ thế giới thực sang thế giới ảo. Tất cả các quốc gia đều lo ngại về an toàn, an ninh mạng trong thế giới ảo. Niềm tin số sẽ trở thành yếu tố quyết định cho sự thành công của cuộc di chuyển này. Vì thế, ông nhấn mạnh những đơn vị Bộ, ngành trung ương và doanh nghiệp cần phải làm chủ hệ sinh thái và xây dựng một nền công nghiệp an toàn, an ninh mạng hùng mạnh.

Để làm được điều này, Việt Nam cần xây dựng đội ngũ chuyên gia nòng cốt và làm chủ nền tảng công nghệ. Quan điểm hiện nay của các quốc gia khi xây dựng chính phủ số là chỉ sử dụng công nghệ mở. Nhờ công nghệ mở, các quốc gia có thể làm chủ công nghệ mà mình sử dụng, đơn cử như cách Việt Nam làm chủ công nghệ 5G bằng chuẩn mở OpenRan.

“Ngoài công cụ thì cần phải có các cá nhân xuất sắc. Vì công cụ chỉ xử lý được các lỗ hổng đã biết, những lỗ hổng chưa biết chỉ có các chuyên gia mới xử lý được. Đội ngũ này có thể nằm ở các doanh nghiệp, khi đất nước lâm nguy thì có thể trưng dụng” – Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói và đề nghị “Hiệp hội và Cục An toàn thông tin nên cân nhắc đứng ra liên kết mạng lưới này”.

Tư lệnh ngành thông tin cũng cho rằng, Hiệp hội An toàn thông tin Việt Nam nên nhận về mình một số công việc mới, đó có thể là soạn thảo và phổ cập cuốn cẩm nang về an toàn thông tin mạng dành cho tổ chức, doanh nghiệp và người dân hoặc phổ cập phần mềm bảo vệ trẻ em trên không gian mạng.