Người đứng đầu Bộ Khoa học và Công nghệ cho hay chợ công nghệ và thiết bị (Techmart) là khâu trung gian kết nối cung cầu và điểm nhấn của thị trường khoa học công nghệ.

- Techmart 2015 có những điểm nhấn gì để được đánh giá là mới và lớn nhất từ trước đến nay, thưa Bộ trưởng?

- Đây là lần thứ hai Bộ Khoa học và Công nghệ tổ chức Techmart Quốc tế với gần 600 gian hàng của các đơn vị và doanh nghiệp đến từ trong nước và một số nước ASEAN, châu Á.

Các doanh nghiệp tham gia Techmart đều có uy tín, có ứng dụng khoa học công nghệ với những sản phẩm chất lượng. Bên cạnh đó, Techmart năm nay cũng dành một khu vực riêng cho những nhà sáng chế không chuyên. Họ chủ yếu là người dân có những sáng kiến cải tiến kĩ thuật, sáng chế được sử dụng ứng dụng và được đánh giá tốt.

Điểm mới nữa của hội chợ lần này, chúng tôi gọi là “Techmart ngược”. Từ trước đến nay, Techmart có tính chất một chiều, tức là các nhà khoa học, các Viện nghiên cứu, trường đại học giới thiệu sản phẩm của mình, còn doanh nghiệp đến để tìm hiểu, tiếp nhận và có thể sử dụng công nghệ. Nhưng Techmart lần này các doanh nghiệp có trình độ công nghệ cao, có các sản phẩm nổi tiếng sẽ giới thiệu ngược trở lại nhu cầu của họ về hỗ trợ để hoàn thiện, thương mại hóa sản phẩm với các Viện nghiên cứu, trường đại học. Như vậy việc kết nối giữa các doanh nghiệp và các đơn vị nghiên cứu là quan hệ 2 chiều chứ không chỉ một chiều như trước đây.

nquan-2220-1443850082.jpg

Bộ trưởng Nguyễn Quân thăm gian hàng trưng bày tại Techmart 2015. Ảnh: Giang Huy.

- Bộ trưởng vừa nói Techmart lần này có một số nước lần đầu tiên đến tham dự, họ mang đến những sản phẩm khoa học công nghệ gì?

- Đối tác nước ngoài thường mang theo 2 loại: Một là những sản phẩm họ muốn hợp tác nghiên cứu với các viện, trường của Việt Nam để hoàn thiện công nghệ. Hai là những sản phẩm cụ thể họ muốn chào hàng, giới thiệu. Đây là những sản phẩm mới có công nghệ cao, phù hợp và có thể tìm kiếm thị trường tiêu thụ ở Việt Nam.

- Còn các nhà sáng chế không chuyên của Việt Nam mang sản phẩm nào đến với Techmart, thưa ông?

- Sản phẩm của những nhà sáng chế không chuyên chủ yếu trong lĩnh vực nông nghiệp. Bà con có cải tiến kỹ thuật, sáng chế phục vụ cho hoạt động hàng ngày, từ máy gieo hạt, xạ lúa thẳng hàng đến máy gặt đập liên hợp, máy cày ruộng bậc thang, máy sấy thóc…

Những sản phẩm này được sáng tạo bằng nguồn tài chính riêng, nhưng đều được đánh giá thông qua hội đồng khoa học địa phương và nhận phản hồi tốt từ phía bà con nông dân. Nhà sáng chế không chuyên đến Techmart ngoài việc giới thiệu sản phẩm, còn tìm kiếm đối tác, nhà đầu tư để thành quả của họ không chỉ nằm trong phạm vi gia đình, làng xóm mà có thể được sử dụng ở quy mô lớn và thương mại hóa.

Trong các kỳ Techmart trước đây,Bộ Khoa học và Công nghệcũng đã mời các nhà sáng chế không chuyên. Mặc dù số lượng không lớn, chỉ khoảng 10 người nhưng một số nhà sáng chế đã được Bộ giúp đỡ thành lập doanh nghiệp, công ty và nhiều người đã kinh doanh rất thành công.

Lần này, Ban tổ chức mời 57 nhà sáng chế không chuyên, trong đó có nhiều nhà nông ở khu vực Đồng bằng Sông Cửu Long. Bộ hi vọng một số người sẽ tìm được nhà đầu tư, doanh nghiệp hợp tác để sản xuất trên quy mô công nghiệp, nhân rộng sáng chế đến với bà con ở Đồng bằng Sông Cửu Long và các tỉnh Bắc Bộ.

- Thưa Bộ trưởng, người dân có thể tìm mua các sản phẩm phục vụ cho những sinh hoạt đời thường tại Techmart hay không?

- Thực ra Techmart là chợ công nghệ và thiết bị nên chúng tôi không khuyến khích bán những sản phẩm cụ thể. Ở đây chủ yếu là trưng bày, giới thiệu những kết quả nghiên cứu, chế thử để doanh nghiệp, nhà khoa học gặp nhau, hợp tác biến thành sản phẩm thương mại, sản xuất trênquy mô công nghiệp.

Tuy nhiên, người dân vẫn có thể tìm được các sản phẩm cụ thể vì có rất nhiều sản phẩm tuy mang tính nghiên cứu, thử nghiệm nhưng cũng cần có đánh giá của người tiêu dùng trước khi được sản xuất hàng loạt. Do đó trong Chợ công nghệ và thiết bị này, một số cơ sở vẫn có thể bán mang tính chất thăm dò các sản phẩm của họ để tiếp tục hoàn thiện công nghệ.

- Việc giám sát thực hiện các hợp đồng đã ký tại mỗi kỳ Techmart được Bộ thực hiện như thế nào?

- Trong các kỳ Techmart thường có ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ giữa các đơn vị, viện trường với doanh nghiệp và hợp đồng giữa các doanh nghiệp với nhau, có những hợp đồng giá trị lên đến hàng tỉ đồng.

Sau ký kết, Bộ cũng có những bộ phận theo dõi xem quá trình thực hiện giữa các đối tác và hỗ trợ họ nếu có khó khăn, vướng mắc. Ví dụ có những hợp đồng trong quá trình thực hiện, sản phẩm vẫn phải tiếp tục hoàn thiện để có thể chuyển giao, chúng tôi sẽ hỗ trợ đề tài nghiên cứu hoặc những dự án để có thể sản xuất thử nghiệm.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng không phải tất cả các hợp đồng được ký kết đều được thực hiện một cách đầy đủ và đúng thỏa thuận. Trong quá trình thực hiện, cũng có một số doanh nghiệp gặp khó khăn bởi ngoài việc bỏ tiền mua công nghệ và nhận chuyển giao họ còn phải bỏ một khoản tiền khá lớn đầu tư cho sản xuất. Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp kinh doanh thua lỗ hoặc khó khăn do biến động kinh tế, nên không thể huy động được nguồn vốn đủ đầu tư cho dây chuyển sản xuất. Bởi vậy, nhiều dự án sau khi chuyển giao công nghệ không thể triển khai tiếp được, phải dừng.

Nhà nước không thể hỗ trợ kinh phí cho các doanh nghiệp để đầu tư tiếp được mà chỉ hỗ trợ kinh phí để nghiên cứu, hoàn thiện công nghệ, thương mại hóa, đào tạo nhân lực và những nội dung liên quan đến hoạt động khoa học công nghệ. Còn hoạt động đầu tư mua sắm trang thiết bị, máy móc, tổ chức sản xuất thì doanh nghiệp phải huy động nguồn vốn hoặc vay từ các tổ chức tín dụng.

13-1443778923-660x0-4481-1443850082.jpg

Thiết bị làm giá đỗ sạch phiên bản tự động do TS Đỗ Ngọc Chung (Đại học Quốc gia Hà Nội) sáng chế. Ảnh: Giang Huy.

- Bộ trưởng kỳ vọng gì vào Techmart lần này?

- Chúng tôi kì vọng Techmart này là một khâu nằm trong chuỗi của thị trường công nghệ. Chúng ta biết thị trường công nghệ có 4 thành phần chính: Nguồn cung là các sản phẩm nghiên cứu của các viện, trường; Nguồn cầu là nhu cầu của doanh nghiệp; Môi trường pháp lý là hệ thống cơ chế chính sách, hỗ trợ của nhà nước và thành phần thứ tư rất quan trọng là các định chế trung gian để có thể kết nối cung và cầu.

Việt Nam đang rất thiếu các định chế, tổ chức trung gian trong thị trường công nghệ để doanh nghiệp có thể tìm đến các cơ sở nghiên cứu, và ngược lại các viện, trường có thể nắm bắt nhu cầu doanh nghiệp. Chính vì thế doanh nghiệp thường nhập khẩu công nghệ nước ngoài, còn các viện, trường cũng nghiên cứu nhưng không đúng với nhu cầu của doanh nghiệp nên hiệu quả sử dụng kết quả nghiên cứu còn thấp.

Để có được các định chế trung gian thì chợ công nghệ thiết bị cũng như sàn giao dịch công nghệ hiện nay có vai trò rất quan trọng. Đây chính là nơi các nhà khoa học và doanh nghiệp gặp được nhau, tìm hiểu nhu cầu của nhau để hợp tác, chuyển giao kết quả nghiên cứu và sản xuất kinh doanh một cách thuận lợi nhất.

Các sàn giao dịch công nghệ mang tính thường xuyên nhiều hơn, tức là người ta có thể giao dịch hàng ngày, thậm chí qua mạng với sàn giao dịch ảo. Nhưng chợ công nghệ thiết bị mang tính chất định kì, một năm có thể tổ chức một, hai lần ở nhiều quy mô từ địa phương tới quốc tế. Nó không mang tính chất liên tục như các sàn giao dịch công nghệ nhưng là một sự kiện, một mắt xích rất quan trọng trong thị trường công nghệ.

Ngoài các chợ thiết bị công nghệ, sàn giao dịch, chúng tôi còn tập trung đầu tư cho các tổ chức dịch vụ như tư vấn, đánh giá, định giá, kiểm định, giám định… phục vụ cho việc chuyển giao từ viện, trường vào doanh nghiệp. Tất cả những việc này mới được khởi động trong khoảng 10 năm trở lại đây.

Thị trường công nghệ ra đời muộn, sau rất nhiều thị trường khác của Việt Nam. Nhưng thị trường này đến nay đã bắt đầu hình thành và tôi kì vọng chợ công nghệ thiết bị sẽ là điểm nhấn để người dân biết đến. Để có thị trường công nghệ thì cần có chợ công nghệ, có sàn giao dịch và các tổ chức môi giới trung gian. Như vậy thông qua các chợ công nghệ thiết bị người ta sẽ cùng quan tâm đầu tư cho các định chế trung gian trên thị trường.