Theo ông Bùi Thế Duy - Chánh Văn phòng Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN), bộ đã được Chính phủ giao nhiệm vụ làm đầu mối phối hợp các bộ, ngành, địa phương tiếp cận và tận dụng tốt nhất những lợi thế của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (Industry 4.0).

Thông tin này được đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ quý I năm 2017 của Bộ KH&CN chiều 5/4. Buổi họp báo do Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc chủ trì với sự tham dự của lãnh đạo các cục, vụ, viện trực thuộc Bộ KH&CN.

Theo ông Bùi Thế Duy, lý do Bộ KH&CN được Chính phủ giao nhiệm vụ nói trên là bởi bản chất của cuộc Cách mạng công nghiệp là nơi hội tụ các thành tựu KH&CN mới, khi đạt được ngưỡng phát triển sẽ tạo ra sức bật với nền tảng sản xuất mới.

Năm 2016, Chính phủ đã giao Bộ KH&CN tiến hành nghiên cứu, đánh giá về bản chất của Industry 4.0, xem xét thực trạng của Việt Nam, từ đó đề xuất phương án tiến cận, cách tận dụng các lợi thế và hạn chế tác động tiêu cực.

“Từ tháng 11/2016 đến nay, Bộ KH&CN đã phối hợp với các bộ, ngành, chuyên gia trong và ngoài nước tổ chức nhiều hội thảo và chuẩn bị báo cáo Chính phủ. Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 tuy là mới nhưng Trung ương Đảng, Quốc hội, Chính phủ đều đã có chỉ đạo, như chỉ thị của Ban Bí thư Trung ương Đảng về công nghệ sinh học, nghị quyết về phát triển KH&CN. Gần đây, Nghị quyết 05 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng về đổi mới mô hình tăng trưởng cũng nhấn mạnh việc nâng cao năng lực hấp thụ công nghệ của doanh nghiệp. Với các định hướng đó, chúng ta phải rà soát, điều chỉnh và nhấn mạnh lại để có định hướng phù hợp nhằm tận dụng tốt nhất những lợi thế sẵn có” – ông Duy nhấn mạnh.

Thời gian tới, Bộ KH&CN sẽ tiếp tục là đầu mối điều phối hoạt động của các bộ, ngành, địa phương tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp này. Do lĩnh vực chính là công nghệ thông tin nên Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) giữ vai trò chủ chốt. Các hiệp hội (như Hội Tin học Việt Nam), doanh nghiệp công nghệ sẽ triển khai hạ tầng và ứng dụng công nghệ thông tin vào các ngành như du lịch thông minh, nông nghiệp công nghệ cao...


Thứ trưởng Bộ KH&CN Phạm Công Tạc tổng kết các hoạt động KH&CN trong quý I/2017. Ảnh: Huy Hùng

Trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ (SHTT), trả lời câu hỏi của phóng viên về sự hợp tác của Cục SHTT với Tổ chức SHTT thế giới (WIPO) nhân chuyến thăm của Tổng Giám đốc Francis Gurry thời gian vừa qua, ông Lê Ngọc Lâm - Cục Phó Cục SHTT - cho biết: “Bộ KH&CN đã ký thỏa thuận với WIPO xây dựng chiến lược quốc gia về SHTT. WIPO sẽ hỗ trợ Việt Nam các chuyên gia có kinh nghiệm tư vấn xây dựng chiến lược SHTT quốc gia. Chuyên gia được giới thiệu là cựu tổng giám đốc cơ quan SHTT Singapore – người giàu kinh nghiệm trong quản lý hệ thống SHTT tương thích với Việt Nam”.

Nói về tiến trình xây dựng chiến lược SHTT quốc gia, ông Lê Ngọc Lâm tiết lộ rằng, Cục SHTT đang nghiên cứu nhu cầu thực tế để đưa ra bản dự thảo và xin ý kiến chuyên gia trước khi gửi bản hoàn chỉnh lấy ý kiến rộng rãi các bộ, ngành, cơ quan, viện trường...


Ông Lê Ngọc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ - trả lời báo chí tại buổi họp báo. Ảnh: Huy Hùng

“Chiến lược sẽ đưa ra giải pháp để đẩy mạnh thương mại hóa tài sản SHTT, giúp doanh nghiệp có thêm giá trị gia tăng thông qua tài sản vô hình. Ngoài ra, chúng tôi sẽ đàm phán với WIPO để tận dụng các công cụ SHTT của họ ở Việt Nam. Điển hình nhất là hệ thống IP Hub cung cấp cho các viện nghiên cứu, trường đại học, giúp họ thuận tiện hơn trong việc tra cứu các sáng chế, sở hữu công nghiệp. Hệ thống của WIPO đang tiến hành dịch từ thông tin của tất cả các nước trên thế giới, giúp các nhà nghiên cứu của Việt Nam thuận tiện trong việc tìm đọc thông tin khi đăng ký sản phẩm SHTT. Hệ thống này một mặt nâng cao năng lực nghiên cứu cho các viện, trường, mặt khác giúp họ có biện pháp thương mại hóa ứng dụng để đạt các lợi ích kinh tế từ quyền SHTT” – ông Lâm giải thích thêm.

Tại buổi họp báo, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, trong quý I năm 2017, Bộ KH&CN đã tập trung xây dựng, tiến tới hoàn thiện một số chính sách như Nghị định số 27/2017/NĐ-CP về sửa đổi bổ sung một số điều về tổ chức và hoạt động của thanh tra chuyên ngành KH&CN, trình Thủ tướng Chính phủ dự thảo Kế hoạch tổng thể phát triển công nghiệp sinh học đến năm 2030...

Bộ KH&CN cũng tiếp tục triển khai các nhiệm vụ nhằm cải thiện Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu (GII) do Chính phủ giao tại Nghị quyết số 19-2017/NQ-CP ngày 6/2/2017; ban hành Thông tư 01/TT-BKHCN quy định chi tiết một số điều của Nghị định số 54/2016/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của tổ chức KH&CN.

Trong quý II , Bộ KH&CN sẽ tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách pháp luật về KH&CN, tổ chức các hoạt động, sự kiện đặc biệt chào mừng Ngày KH&CN Việt Nam 18/5, hội nghị giao ban KH&CN các tỉnh vùng Đồng bằng sông Hồng, Nam Trung Bộ và Tây Nguyên, hội thảo các trung tâm ứng dụng tiến bộ KH&CN; trao giải thưởng Tạ Quang Bửu...