Khoản đầu tư 2 tỷ USD mà Bill Gates vừa công bố không giúp ngăn chặn được biến đổi khí hậu, nhưng có thể khiến loài người phải thay đổi cách chuẩn bị cho tương lai.

Bill Gates trở thành người tiên phong trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Akamaihd
Bill Gates trở thành người tiên phong trong lĩnh vực chống biến đổi khí hậu. Ảnh: Akamaihd

Người khen, kẻ chê

Nhà bác học vĩ đại Ácsimét đã có câu nói nổi tiếng “Hãy cho tôi một điểm tựa, tôi sẽ nâng bổng Trái đất lên!”. Tuy nhiên, nếu còn sống có lẽ Ácsimét sẽ phải thừa nhận rằng, nâng bổng Trái đất chưa hẳn đã khó bằng việc chống lại quá trình nóng lên toàn cầu.

May mắn thay, đang có một người cố công thực hiện công việc khó hơn lên trời đó: Bill Gates. Đòn bẩy chính là uy tín của người đàn ông giàu nhất thế giới và 2 tỷ USD đầu tư cho nghiên cứu và phát triển năng lượng.

Trả lời phỏng vấn tờ Atlantic, Bill Gates cho biết, việc giữ cho nhiệt độ Trái đất tăng không quá 2 độ C chỉ đạt được khi lượng khí thải carbon giảm 80% trước năm 2050. Các hiệp ước quốc tế hiện nay sẽ không đảm bảo mục tiêu này và các công nghệ hiện tại thì càng không. Vì vậy, theo Gates, chúng ta sẽ cần các khoản đầu tư cực lớn vào các công nghệ mới mà theo đánh giá của khoa học hiện tại là vô cùng xa vời.

Kế hoạch của Gates đã nhận được những phản ứng trái chiều. Một số chuyên gia cho rằng, ông đã quá viển vông bởi tiền đầu tư vẫn cần ưu tiên cho các công nghệ hiện tại. Với công nghệ hiện nay, có thể đạt hiệu quả tốt với khoản đầu tư không quá phức tạp, chẳng hạn thương mại hóa, nâng quy mô.
Ngược lại, không ít người đánh giá cao tầm nhìn xa của Gates. Các công nghệ đang hoặc sắp phổ biến dù có tầm quan trọng sống còn nhưng đều có những hạn chế rất cơ bản.
Trong khi đó, tiền rót vào nghiên cứu nguồn năng lượng thế hệ kế tiếp hiện vô cùng thiếu thốn. Chẳng hạn, toàn bộ tiền mà Bộ Năng lượng Mỹ dành cho R&D trong năm 2015 chỉ đạt 5,2 tỷ USD, ít hơn khoản chi của riêng Viện Y học quốc gia Mỹ cho bệnh ung thư.

Tạo động lực để xã hội thay đổi

Bình luận về sự kiện, chuyên gia Paul Sabin từ Đại học Yale khẳng định: “Gates không hề ảo tưởng rằng ông sẽ tạo ra một công cụ vạn năng, có thể làm được mọi thứ. Ông tự đặt mình trong một mạng lưới và hệ thống, chịu sự chi phối của chính sách. Ông đang cố làm thay đổi hệ thống đó”.

Trên thực tế, khoản tiền 2 tỷ USD có tính chất động viên nhiều hơn tác dụng trực tiếp nó đem lại. Điều Bill Gates thực sự nhằm đến là chính quyền Mỹ tăng gấp đôi, thậm chí gấp ba khoản đầu tư cho nghiên cứu năng lượng.

Lịch sử có không ít ví dụ về những người giàu có ảnh hưởng lớn trong việc tìm cách làm thay đổi thực trạng xã hội, khoa học và kỹ thuật. Đồng sáng lập khác của Microsoft là Paul Allen đã đứng tên thành lập Viện Nghiên cứu não Allen vào năm 2003. Allen đã tài trợ 500 triệu USD để thực hiện các nghiên cứu cơ bản về chức năng của não. Quỹ sáng kiến Brain - một công trình lớn nhằm phát triển các công cụ nghiên cứu não bộ - đã hình thành một phần nhờ động lực này.

Trong thế kỷ 20, nhà hoạt động nữ quyền Katherine McCormick gần như đã một mình tài trợ cho việc nghiên cứu các biện pháp ngừa thai. Trước đó, Mary Lasker đã cùng với chồng mình lập quỹ Lasker để hỗ trợ các nghiên cứu y học. Quỹ Lasker đã trực tiếp chi tiền cho các nghiên cứu, và tương tự như Gates, đã thúc đẩy chính quyền tài trợ nhiều hơn cho nghiên cứu.
Tuy nhiên, nghiên cứu não bộ thì cụ thể và ít rủi ro hơn nhiều so với nghiên cứu năng lượng. Bệnh ung thư thì dễ nhận được sự chú ý của công chúng hơn so với biến đổi khí hậu và cũng có giá trị hơn về vận động chính trị.

Lợi thế của nghiên cứu biện pháp tránh thai là nhu cầu rất lớn và rất rõ ràng. Quan trọng nhất, tất cả đều không cần đến sự biến đổi toàn diện và căn bản về xã hội và kỹ thuật giống như việc nghiên cứu năng lượng mà Bill Gates nhằm tới.

Bills Gate sẽ thành công?

Nhà sáng lập ra hãng Microsoft có thể học được một vài điều từ Lasker, đó là sử dụng tiền của bản thân nhưng đồng thời cũng tạo ra các hiệu ứng về mặt xã hội.
Để vận động cho Luật Ung thư quốc gia 1971, Lasker đã làm thay đổi bộ mặt của Hiệp hội Ung thư Mỹ, đưa các nhà khoa học đến Quốc hội Mỹ để nói về công việc của họ. Những người nổi tiếng cũng được huy động: Nhà báo huyền thoại Ann Landers đã sử dụng ảnh hưởng của chính mình để tổ chức một chiến dịch viết thư kết thúc bằng 500 ngàn bức thư gửi đến Quốc hội Mỹ.

Khi thông báo về khoản tiền dành cho nghiên cứu năng lượng, Gates đã nêu tất cả các vấn đề có tính hệ thống của biến đổi khí hậu: Giá carbon, sự cần thiết phải có các công ty tiện ích và các thiết chế kiểm soát, tương lai của các nước nghèo - nơi sinh sống của phần lớn nhân loại và sự lưỡng lự của các nước nghèo khi phải chịu thiệt thòi về kinh tế so với nước giàu.

Ít nhất thì cách tiếp cận của Bill Gates đã đem lại những tín hiệu lạc quan. Bộ Năng lượng Mỹ gần đây đã tổ chức một hội thảo - gồm các nhà làm chính sách, nhà đầu tư và nhà khoa học - để bàn các mục tiêu ngắn hạn và dài hạn về năng lượng.

Ý kiến của Bill Gates và cuộc tranh luận xung quanh nó đã được đưa ra bàn bạc. Cuộc hội thảo đã dẫn đến cải thiện về hạ tầng kỹ thuật, các sáng kiến chính sách mới, các sách lược mới và mô hình tài chính mới.

Theo tiến sỹ Dan Reicher - Giám đốc Trung tâm Chính sách và Tài chính năng lượng Steyer-Taylor của Đại học Stanford và đồng thời là nhân sự chủ chốt trong chương trình đầu tư năng lượng sạch mới của Tổng thống Mỹ Barack Obama: “Bill Gates đã khiến chính quyền của Obama phải cân nhắc đầu tư lớn hơn cho nghiên cứu năng lượng”.

Chống biến đổi khí hậu là một quá trình phức tạp, liên quan đến rất nhiều hoạt động của con người. Kể cả Bill Gates, chúng ta chỉ là những con người đương đại. Tuy nhiên, ở góc độ nào đó, con người đương đại Bill Gates đang kích hoạt được sự chuẩn bị cho tương lai.