Ở những người mắc HIV tiến triển, bệnh đậu mùa mpox (trước đây gọi là đậu mùa khỉ) gây tử vong ở khoảng 15% số trường hợp. Trong khi đó, tỷ lệ tử vong trong cả đợt bùng phát căn bệnh này vào năm ngoái là dưới 1%.

Kể từ 5/2022, 110 quốc gia trên thế giới đã báo cáo khoảng 85.000 ca mắc cùng 93 ca tử vong. Trong số này có nhiều người nam quan hệ tình dục đồng giới; và 38% - 50% người mắc mpox cũng là người nhiễm HIV – phần lớn họ đang điều trị HIV và có cuộc sống khỏe mạnh.

Virus mpox.
Virus mpox.

Những báo cáo này đã thôi thúc GS Chloe Orkin tại ĐH Queen Mary, London, cùng các đồng nghiệp xem xét 382 ca mắc mpox và HIV tiến triển, bao gồm 27 người tử vong vì mpox trong trận bùng phát gần đây.

“Virus mpox có vẻ hành xử hoàn toàn khác ở những cá nhân này. Thường thì căn bệnh ảnh hưởng tới khu vực quanh nơi virus xâm nhập, nhưng trong trường hợp này nó phân tán khắp cơ thể và khiến da bị lở loét trên diện rộng. Nó cũng gây ra bệnh phổi”, GS Orkin cho biết.

Theo nghiên cứu, dạng hoại tử nghiêm trọng này của mpox ở người có HIV tiến triển dường như giống một tình trạng khiến nhân viên y tế có thể chẩn đoán bệnh nhân mắc AIDS, giai đoạn nhiễm HIV nghiêm trọng nhất.

Dựa trên số liệu hiện có, mpox khiến 15% người mắc HIV tiến triển (có số lượng tế bào CD4 <200 tế bào/mm3) và bị ức chế miễn dịch tử vong – con số này có thể cao tới 27% ở những người có lượng tế bào CD4 thấp nhất. Tế bào CD4 là các tế bào bạch cầu T có vai trò quan trọng trong hệ miễn dịch. Virus HIV tấn công các tế bào này. Vì thế số lượng tế bào CD4 cho biết tình trạng của hệ miễn dịch.

Không phải ai mắc HIV cũng gặp rủi ro như vậy khi bị bệnh mpox. Nếu mắc mpox, những người điều trị bằng thuốc kháng HIV và có số lượng CD4 khỏe mạnh dường như cũng xuất hiện những triệu chứng tương tự và có tiên lượng như người không có HIV.

Thế nhưng, những ai có số lượng CD4 xuống thấp hơn 200 tế bào/mm3 sẽ gặp nguy cơ cao. Điều này bao gồm người có HIV chưa được chẩn đoán, do triệu chứng của bệnh thường không xuất hiện cho tới khi số lượng CD4 rơi xuống dưới mức độ nguy hiểm.

Orkin nói, “Những ai mắc mpox nên đi xét nghiệm HIV, và nếu ai có HIV nhiễm mpox thì họ nên đi đo tình trạng CD4”.

Các cơ quan y tế cũng nên ưu tiên cho những người nhiễm HIV được tiêm cả hai liều vaccine mpox, nhất là ở các quốc gia có mức độ chẩn đoán thấp và người dân không được tiếp cận miễn phí với thuốc kháng HIV, theo GS Oriol Mitjà tại bệnh viện Đại học Germans Trias i Pujol ở Barcelona, cũng là tác giả chính của nghiên cứu.

Nguồn: