Những cải tiến mạnh mẽ về hình thức và nội dung trong năm qua là cách Báo Khoa học và Phát triển tri ân độc giả. Món quà trong Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21/6 năm nay chính là ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và độc giả để báo ngày một hấp dẫn hơn.

GS-TSKH Trần Xuân Hoài: Tờ báo mang danh khoa học phải khác biệt


Báo Khoa học và Phát triển bây giờ so với trước đây đã thay đổi rất nhiều. Các bài viết hấp dẫn, hiện đại hơn, phù hợp với thời đại công nghệ hiện nay.

Tôi cho rằng, viết báo khoa học khó chứ không dễ. Hiện nay thông tin trên mạng rất nhiều, các tờ báo điện tử cũng mở ra nhiều mục về khoa học; nhưng báo khoa học phải làm khác. Cụ thể, nên có cách tổ chức khác, lắng nghe phản hồi của độc giả. Nên đưa tin có chọn lọc, ngắn gọn, hình thức thể hiện gần gũi.

Theo tôi, trong một số báo chỉ nên có 1-2 bài thông báo các kết quả hoạt động, nghiên cứu khoa học, còn lại nên tập trung vào những đề tài gần hơn với dân sinh như an toàn thực phẩm, các hóa chất chúng ta đang dùng nguy hiểm hay không...

Viết báo khoa học thì không nên câu khách bằng cách giật tít sốc hay đưa ra thông tin chưa được kiểm định, mà lôi cuốn bằng chính sự đổi mới của mình, từ đó kích thích tư duy người đọc. Không nên dùng câu từ hàn lâm, cao siêu quá khiến độc giả không hiểu.

Khoa học có rất nhiều ngành, mỗi nhà khoa học chỉ chuyên về một ngành. Là một nhà khoa học, tôi mong muốn qua tờ báo sẽ biết nhiều hơn về việc các ngành khác đang phát triển như thế nào.

Một điều quan trọng là tờ báo khoa học phải biết xã hội đang cần gì để hướng đến nhu cầu thiết thực đó. Bản thân những người làm khoa học muốn biết xã hội cần gì, ngành nông nghiệp cần gì, công nghiệp cần gì, chính sách cần gì.

Tờ báo mang danh khoa học phải có sự khác biệt mới tạo nên sức mạnh, không chỉ đưa tin, thông báo mà phải là tờ báo chịu trách nhiệm. Đây là trách nhiệm của tờ báo khoa học chứ không phải tờ báo thông thường.

GS-TS Lê Thị Quý - Đại học Thăng Long, Hà Nội: Nên lồng câu chuyện vui bên các vấn đề chính luận


Theo quan điểm của cá nhân tôi, trong nền kinh tế tri thức, khoa học và công nghệ (KH&CN) là vấn đề cấp thiết liên quan đến mọi mặt của cuộc sống, của phát triển. Sự hiện diện một tờ báo là phát ngôn chính thức của Bộ KH&CN là điều cần thiết và tất yếu, bởi nó đáp ứng được nhu cầu của xã hội cũng như các vấn đề quan trọng nhất của KH&CN.

Từ trước đến nay, nhiều người vẫn có cảm tưởng rằng KH&CN là cái gì đó rất xa vời, nhưng thực tế nó rất gần với cuộc sống, bởi vì nó chính là cuộc sống. Mọi người cần phải quan tâm tới KH&CN như cơm ăn nước uống hằng ngày. Vì lý do đó, Báo Khoa học và Phát triển có thể trở thành bạn đồng hành của không chỉ các trí thức, nhà khoa học mà còn là bạn của những người nông dân, công nhân và các tầng lớp khác. Xét về tư tưởng, nội dung đang thể hiện, tờ báo hoàn toàn đạt được những tiêu chuẩn này.

Điều quan trọng bây giờ là phải đi trúng vào những vấn đề mà người dân quan tâm để mở rộng đối tượng độc giả. Ví dụ, nếu một người nông dân chế tạo được chiếc máy giúp ích cho công việc đồng áng thì hãy viết về họ, tôn vinh họ.

Để hấp dẫn hơn nữa, Báo Khoa học và Phát triển nên lồng thêm những câu chuyện khoa học vui, hấp dẫn bên cạnh những bài chính luận nghiêm túc về khoa học, hay những bài học thành công, thất bại của nhiều nhà khoa học, thí dụ có nhiều câu chuyện về cuộc đời của những người nghiên cứu vì đam mê khoa học mà quên cả gia đình. Những câu chuyện như vậy cần được chia sẻ để rút kinh nghiệm vì việc làm khoa học cần hài hoà với cuộc sống riêng, với gia đình thì mới thật sự có hạnh phúc.

TS Lê Hoàng Lan - Hội Bảo vệ thiên nhiên và môi trường: Tôi rất thích đọc các trang Chính sách, Chân dung và Tiêu điểm


Theo tôi, Báo Khoa học và Phát triển hiện nay có rất nhiều thông tin hay, hấp dẫn, vừa đảm bảo tính nghiêm túc, khoa học vừa thú vị, thu hút người đọc. Tôi nghĩ rằng đối với một tờ báo giấy ra hằng tuần, điều đó giúp duy trì được một lượng bạn đọc đông đảo, thuộc nhiều đối tượng khác nhau mà không chỉ tập trung vào giới học thuật, hàn lâm.

Theo dõi các tin bài đăng trên Khoa học và Phát triển, tôi cảm nhận được rằng để có đủ nội dung tốt, phong phú cho các trang mục đa dạng trong mỗi số báo, đội ngũ phóng viên đã vừa phải xông xáo đi lấy tin, viết bài, vừa phải “lục lọi” tìm kiếm những thông tin khoa học và công nghệ mới, nóng và thú vị trên khắp thế giới.

Theo đánh giá của tôi, nói chung tất cả các trang đều hay, nhưng tôi thích nhất các trang Chính sách, Chân dung và Tiêu điểm. Đặc biệt, trang Chính sách nghe tên rất khô khan nhưng bài viết lại sinh động, khác hẳn mục giới thiệu chính sách ở các báo khác.

Để tờ báo hấp dẫn hơn, theo tôi nên tiếp tục phát huy những thế mạnh này của báo. Đối với các bài viết lấy thông tin từ nguồn quốc tế, do hiện nay ở nước ngoài cũng có nhiều tin khoa học “giật gân” đánh vào tâm lý người đọc nên độ chính xác không cao, cần thận trọng khi chọn lựa.

Bà Lê Lượt - nguyên cán bộ Báo Khoa học và Phát triển: Tờ báo cần bước ra thị trường


Từng là phóng viên, biên tập viên và giờ là độc giả thường xuyên của Khoa học và Phát triển, tôi nhận thấy trong một năm trở lại đây, báo đã có bước đột phá cả về nội dung lẫn hình thức. Càng ngày thông tin khoa học trên báo càng được cập nhật nhanh nhạy và sáng tạo hơn. Từ một tờ báo nhạt nhòa, thiếu điểm nhấn, Khoa học và Phát triển dần trở nên hấp dẫn, là kênh tin cậy về khoa học trong nước và quốc tế.

Khác với trào lưu giật gân, câu khách của nhiều tờ báo hiện nay, tôi nhận thấy Khoa học và Phát triển luôn giữ vững tôn chỉ, mang đến thông tin chính xác, bổ ích, góc nhìn hấp dẫn về tình hình khoa học trong nước và thế giới. Cách trình bày chuyên nghiệp và bắt mắt, tiêu đề cuốn hút và đoạn mở đầu sắc sảo. Điều tôi thích nhất là các sự kiện khoa học được đưa theo phong cách quốc tế.

Theo dõi từng bước đi của báo, tôi thấy Khoa học và Phát triển đang dần mở rộng phạm vi và đối tượng, được độc giả tin cậy. Tuy nhiên, tôi có chút băn khoăn là tờ báo chưa được phát hành rộng rãi, nhiều khi muốn mua nhưng ít thấy các sạp bày bán. Tôi rất mong báo được đưa ra thị trường. Báo cũng cần mở rộng hơn đội ngũ cộng tác viên, nhất là ở các địa phương - nơi có rất nhiều sáng chế thiết thực của các nhà khoa học chân đất cần được quảng bá, giới thiệu.