Trong quá trình hội nhập, để cạnh tranh được với doanh nghiệp nước ngoài ngay tại thị trường trong nước và mở rộng xuất khẩu ra nước ngoài, bảo hộ nhãn hiệu là một vấn đề sống còn của doanh nghiệp.

Đó là chia sẻ của ông Vương Đức Tuấn, Phó Cục trưởng Cục Công tác phía Nam, Bộ Khoa học và Công nghệ (KH&CN) tại hội thảo “Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại các nước ASEAN” sáng ngày 13/7.

Theo thống kê, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt nam – ASEAN trong quý I/2016 là 9,74 tỷ USD, tăng gấp 10 lần so với năm 2002.

Hiện nay, hàng hóa của các nước trong khu vực xâm nhập ngày càng sâu rộng vào Việt Nam, không chỉ hàng hóa của Thái Lan, Malaysia mà ngay cả hàng hóa của các nước Lào, campuchia cũng đang chiếm một vị trí không nhỏ.

Bên cạnh việc cạnh tranh với hàng nhập khẩu, nhiều nhãn hàng chất lượng, nổi tiếng của chúng ta cũng đang phải đối phó với tình trạng làm giả, làm nhái do thiếu bảo hộ về nhãn hiệu.

Đứng trước vấn đề này, ông Vương Đức Tuấn cho rằng, việc bảo hộ nhãn hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam đang là vấn đề cấp thiết, bởi chúng ta đang hội nhập ngày càng sâu rộng vào nền kinh tế thế giới. Trong tương lai, khi hàng hóa của các nước thuộc khối Hiệp định tự do thương mại TPP, thị trường chung ASEAN được “mở cửa”, nếu không có phương án thích hợp, doanh nghiệp Việt sẽ rất dễ rơi vào cảnh bị thua thiệt ngay trên chính thị trường của mình.

Cũng tại buổi hội thảo, các doanh nghiệp đã được chuyên gia đến từ Bộ KHCN phổ biến những quy định của pháp luật về bảo hộ nhãn hiệu và thủ tục đăng ký nhãn hiệu tại Việt Nam; đăng ký nhãn hiệu tại các nước ASEAN thông qua hệ thống đăng ký quốc tế nhãn hiệu Madrid; đăng ký nhãn hiệu trực tiếp tại một số quốc gia ASEAN; các yêu cầu chung đối với đơn đăng ký quốc tế nhãn hiệu,...

Các Doanh nghiệp (DN) cũng được phổ biến về các quy định chung theo Luật pháp từng nước ASEAN, các dấu hiệu được có thể được bảo hộ nhãn hiệu, lưu ý tới các DN các dấu hiệu thường bị từ chối cấp đăng ký.

Bảo hộ nhãn hiệu là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.
Bảo hộ nhãn hiệu là vấn đề sống còn của doanh nghiệp.

Nhằm nâng cao hiệu quả trong đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, các doanh nghiệp cũng có nhiều kiến nghị lên Bộ KH&CN vàcáccơ quan chức năng nhằm đẩy mạnh việc hỗ trợ thông tin về sở hữu trí tuệ cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó là tổ chức các lớp đào tạo chuyên sâu về sở hữu trí tuệ thông qua các hội thảo, chương trình, tư vấn pháp lý từng nước, khu vực cũng như hướng dẫn cụ thể quy trình đăng ký bảo hộ ở các nước khác nhau cho doanh nghiệp.