Một điểm sáng gần đây là Việt Nam đã sửa đổi luật sở hữu trí tuệ, trong đó bổ sung nội dung về bí mật kinh doanh. Tuy nhiên các cơ quan thực thi vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý các trường hợp vi phạm.

Mức độ bảo hộ bí mật kinh doanh ở Việt Nam và một số quốc gia Đông Nam Á vẫn còn thấp so với thế giới, theo báo cáo năm 2019 của tổ chức nghiên cứu chính sách công Geneva Network.

Vấn đề này đã được nhấn mạnh trong báo cáo "Tầm quan trọng của quyền sở hữu trí tuệ đối với sự phát triển" do Geneva Network, một tổ chức nghiên cứu chính sách công có trụ sở ở Anh kết hợp với 5 nhóm nghiên cứu độc lập ở các quốc gia ASEAN, gồm: Minimal Government Thinkers (Phillipines), Viện nghiên cứu các vấn đề dân chủ và kinh tế (Malaysia), Viện Chính sách công Paramadina (Indonesia), Phòng trí tuệ Siam (Thái Lan) và Viện Nghiên cứu chính sách kinh tế (Việt Nam) cùng thực hiện.

Trong bối cảnh số hóa hiện nay, bí mật kinh doanh trở nên dễ bị đánh cắp hơn. Gần đây, chính phủ các nước ASEAN đã nhận ra tầm quan trọng của luật bí mật kinh doanh đối với toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và đã thực hiện các bước để cải thiện luật pháp trong lĩnh vực này. Tuy nhiên, mức độ bảo hộ bí mật kinh doanh ở một số quốc gia ASEAN còn thấp và chưa có quy định rõ ràng.

Dựa trên quy định của luật pháp và việc thực thi trong thực tế, báo cáo đã đánh giá về mức độ bảo hộ bí mật kinh doanh của một số quốc gia: Việt Nam, Thái Lan, Philippines và Indonesia có điểm số thấp trong khu vực Đông Nam Á (0,4), cao nhất là Singapore (1,6), theo sau là Malaysia (1,1).

Điểm số về mức độ bảo vệ bí mật kinh doanh của một số quốc gia trong báo cáo. Nguồn: Geneva Network

Luật sở hữu trí tuệ của Philippines quy định bí mật kinh doanh là một trong những quyền sở hữu trí tuệ, nhưng lại không định nghĩa "bí mật kinh doanh" là gì, gây khó khăn trong việc bảo vệ bí mật kinh doanh.

Ở Indonesia, việc xử lý các vụ việc liên quan đến xâm phạm bí mật kinh doanh rất khó khăn bởi luật pháp nước này quy định người bị hại phải chứng minh được rằng bí mật kinh doanh bị đánh cắp bất hợp hợp bởi bị can.

Ở Việt Nam, một điểm sáng gần đây là chính phủ đã sửa đổi luật sở hữu trí tuệ, trong đó bổ sung thêm nội dung về bí mật kinh doanh. Tuy nhiên thực tế cho thấy các cơ quan thực thi vẫn còn thiếu kinh nghiệm trong việc xử lý các trường hợp vi phạm.

Trong số các quốc gia Đông Nam Á, chỉ có Singapore và Malaysia là hai quốc gia thực hiện việc bảo vệ bí mật kinh doanh hiệu quả nhất. "Họ có một khung pháp lý mạnh mẽ, trong đó bí mật kinh doanh được công nhận là một quyền sở hữu trí tuệ với đầy đủ điều kiện để bảo vệ và thực thi", theo báo cáo. Bởi vậy, các quốc gia ASEAN "cần làm nhiều hơn nữa để cải cách hệ thống luật sở hữu trí tuệ theo tiêu chuẩn toàn cầu" – báo cáo đưa ra khuyến nghị.

Bí mật kinh doanh là những thông tin bất kỳ có được từ quá trình hoạt động kinh doanh, đầu tư tài chính, trí tuệ, chưa được bộc lộ và có khả năng sử dụng trong kinh doanh. Những thông tin này được giữ kín, không tiết lộ trong cộng đồng, giúp cho chủ sở hữu tạo ra lợi ích kinh tế khi thông tin được giữ bí mật. Không chỉ có ý nghĩa với doanh nghiệp, bí mật kinh doanh còn là nhân tố quan trọng giúp hệ thống đổi mới sáng tạo quốc gia hoạt động hiệu quả hơn.