Hội đồng Anh vừa ra mắt Quỹ Đổi mới Học tập ứng dụng kỹ thuật số và tài trợ cho 3 dự án đầu tiên.

Đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn các hoạt động trong hệ thống giáo dục trên toàn cầu. Ảnh: Hội đồng Anh.

Theo Hội đồng Anh, đại dịch Covid-19 tác động mạnh mẽ đã làm gián đoạn các hoạt động trong hệ thống giáo dục trên toàn cầu. Những tác động này đã góp phần gia tăng nhu cầu về các giải pháp đổi mới, bền vững về kỹ thuật số nhằm tăng cường khả năng tiếp cận của người học đối với các chương trình giáo dục chất lượng, đồng thời nâng cao năng lực của giáo viên. Chính vì vậy, mới đây, Hội đồng Anh đã ra mắt Quỹ Đổi mới Học tập ứng dụng kỹ thuật số với mong muốn thúc đẩy ứng dụng kỹ thuật số trong giảng dạy, học tập và kiểm tra đánh giá tiếng Anh.

Ý tưởng về Quỹ lần đầu tiên được công bố tại sự kiện trực tuyến về hợp tác trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh giữa Vương quốc Anh và Việt Nam vào tháng 9/2020. Đến tháng 3/2021, chín đơn vị của Vương quốc Anh và Việt Nam đã được kết nối để hợp tác xây dựng các đề xuất dự án và gửi tới Quỹ. Trong số đó, ba dự án đoạt giải đã được lựa chọn để nhận tài trợ trong năm thí điểm đầu tiên, gồm:
  1. Dự án Digital English Theatre do ba đơn vị thiết kế: International House Belfast, Hands Up project và Đại học Cần Thơ với ý tưởng lồng ghép hoạt động sân khấu kịch vào chương trình học ngoại ngữ. Ông Jonathan Dykes thuộc International House Belfast cho biết, “Chúng tôi rất vui mừng vì dự án của chúng tôi đã được lựa chọn và chúng tôi thực sự mong muốn được hợp tác với đối tác của chúng tôi tại Việt Nam, cũng như với các giáo viên và học sinh sẽ tham gia dự án. Mục đích của chúng tôi là chứng minh sức mạnh của sân khấu kịch kết hợp với sức mạnh của công nghệ kỹ thuật số hiện đại có thể có tác động thực sự đến kết quả của người học như thế nào."

    Hands Up project là dự án kể chuyện và dạy tiếng Anh cho trẻ em ở Gaza và Bờ Tây, cũng như cho trẻ em tị nạn Syria ở Jordan. Dự án còn tổ chức những buổi tập kịch trực tuyến cho trẻ nhằm tạo điều kiện cho các em phát huy khả năng sáng tạo, khám phá tài năng và trau dồi khả năng tiếng Anh của mình. Ảnh:handsupproject

  2. International House London và trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 sẽ phát triển một khóa tự học trực tuyến theo hướng tiếp cận mở về phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên tiểu học. Hơn 60 giáo viên sẽ tham gia xây dựng tài liệu cho khóa học. Đáng chú ý, International House London và trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 đã khởi đầu mối quan hệ hợp tác ngay sau sự kiện Vương quốc Anh hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực giảng dạy tiếng Anh vào tháng 9/2020.

    Giảng viên Nguyễn Thị Hồng Nhật thuộc trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 cho biết “Chúng tôi rất hào hứng khi bắt tay thực hiện dự án này. Chúng tôi rất tâm huyết với việc nâng cao chất lượng giáo dục tại Việt Nam, hướng đến thu hẹp khoảng cách giữa đội ngũ làm công tác giáo dục ở nông thôn, miền núi và đội ngũ làm công tác giáo dục ở thành thị. Thật vui mừng khi chúng tôi tìm được một đối tác giàu kinh nghiệm như tổ chức International House London để cùng chia sẻ các mục tiêu tham vọng của chúng tôi đó là củng cố và nâng cao các hoạt động phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên”.

  3. ViVEXELT (Trao đổi trực tuyến về Phương pháp giảng dạy tiếng Anh tại Việt Nam). Dự án sẽ quy tụ hơn 120 giáo viên Việt Nam và Vương quốc Anh cùng tham gia vào các khóa học và các nhóm thực hành chuyên môn trực tuyến (virtual communities of practice) để thực hành một mô hình sáng tạo về phát triển chuyên môn thường xuyên cho giáo viên tiếng Anh. Một số trường tham gia trao đổi trực tuyến gồm: Cao đẳng Sư phạm Hòa Bình, Đại học Tây Bắc, Trường THPT Chu Văn An (Sơn La), Đại học Quốc gia Hà Nội...

    Nhóm thực hành chuyên môn trực tuyến ViVEXELT sẽ hỗ trợ những người tham gia đưa ra những ý tưởng, chia sẻ kinh nghiệm về phương pháp giảng dạy tiếng Anh, từ đó góp phần tạo ra các tài nguyên kỹ thuật số về các phương pháp giảng dạy tiếng Anh.
Đại diện của Hội đồng Anh cho biết, trong năm đầu tiên thí điểm, Quỹ tài trợ tổng cộng 90.000 Bảng Anh cho 3 dự án được lựa chọn. Cả ba dự án đã bắt đầu trong tháng 4/2021 và tiếp tục trong 9 - 12 tháng tới.

Vào giai đoạn cuối của dự án, các thành viên sẽ cùng nhau chia sẻ về lợi ích và tác động mà từng dự án đã mang lại, đồng thời xem xét khả năng duy trì và mở rộng các hoạt động trong thời gian tiếp theo. Sau giai đoạn thí điểm, Hội đồng Anh sẽ xem xét việc tiếp tục tài trợ cho các sáng kiến đổi mới học tập ứng dụng kỹ thuật số cả ở Việt Nam và trên toàn khu vực Đông Á.

Hoạt động tại Việt Nam từ năm 1993 và kể từ đó, Hội đồng Anh đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Giáo dục và Đào tạo và sau này là Đề án Ngoại ngữ Quốc gia trong nhiều dự án và chương trình nhằm nâng cao trình độ giảng dạy, học tập và kiểm tra đánh giá tiếng Anh của các trường trong hệ thống giáo dục công lập bậc tiểu học, trung học, đại học và đào tạo nghề trong cả nước.