Con số này được Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra tại Hội thảo Băng thông rộng di động & cố định (World Mobile Broadband & ICT) năm 2021, tại Hà Nội sáng 25/3.

Trong bài phát biểu đề dẫn hội thảo, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Phan Tâm đã khẳng định, loài người đang bước vào kỷ nguyên số, xã hội số, kinh tế số, và thập kỷ tới sẽ chứng kiến những thay đổi rất lớn. Quá trình chuyển đổi số sẽ làm thay đổi các phương thức quản lý của Nhà nước, mô hình sản xuất kinh doanh cũng như đời sống văn hóa - xã hội. Dữ liệu sẽ trở thành nguồn tài nguyên, nguồn lực quan trọng của các quốc gia và nguồn lực này có một đặc tính là càng nhiều người dùng thì càng hiệu quả và càng nhiều. Kết nối toàn cầu sẽ không chỉ còn là kết nối truyền thống giữa người với người mà sẽ có sự phát triển mạnh mẽ của kết nối vạn vật.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại sự kiện. Nguồn: IDG
Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm phát biểu tại sự kiện. Nguồn: IDG

Lãnh đạo Bộ Thông tin và Truyền thông cũng cho rằng, hạ tầng số bao gồm hạ tầng viễn thông băng rộng, hạ tầng điện toán đám mây và các nền tảng IoT, AI, Big Data, Blockchain, an ninh mạng, định danh số, thanh toán điện tử... Như vậy, hạ tầng di động băng rộng 5G và hạ tầng băng rộng cố định sẽ đóng vai trò quan trọng trong sự phát triển của Việt Nam.

Kết luận này của Thứ trưởng Phan Tâm càng có ý nghĩa hơn khi đặt bên cạnh những con số trong báo cáo của Google, Temasek và Bain về "Nền kinh tế số Đông Nam Á năm 2020". Trong đó, nền kinh tế số Việt Nam đạt tổng giá trị 14 tỷ USD, cao hơn 2 tỷ USD so với giá trị của cùng kỳ năm ngoái. Đáng chú ý hơn, trong tổng số người sử dụng dịch vụ kỹ thuật số, người dùng mới tại Việt Nam chiếm đến 41%. Điều này đưa Việt Nam thành quốc gia có tỉ lệ người dùng Internet mới cao nhất trong khu vực.

Người dùng trải nghiệm các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam. Nguồn: IDG.
Người dùng trải nghiệm các sản phẩm công nghệ Make in Vietnam. Nguồn: IDG.

Trong vòng 2 - 3 năm trở lại đây, sự phát triển hạ tầng băng thông rộng đã mở đường cho tất cả các ngành kinh tế khác phát triển. Tính đến hết tháng 2/2021, tại Việt Nam tổng số thuê bao băng rộng cố định vượt 17,2 triệu thuê bao, tổng thuê bao băng rộng di động đạt gần 69,5 triệu thuê bao (số liệu Cục Viễn thông).

Những con số này càng có ý nghĩa hơn khi chính phủ đã xác định một trong những trụ cột của nền kinh tế số là hạ tầng viễn thông, bao gồm cả hạ tầng băng rộng di động lẫn băng rộng cố định. Thứ trưởng Phan Tâm cũng dẫn dự báo trong nghiên cứu của Viện Chiến lược Bộ Thông tin và Truyền thông, về tỷ lệ đóng góp của 5G vào tăng trưởng GDP ước đạt 7,34% vào năm 2025.

Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2030 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 - 2025 đều khẳng định rõ vai trò không thể thiếu của lĩnh vực ICT trong phát triển kinh tế xã hội của đất nước, nhiều lần nhắc tới các cụm từ như chuyển đổi số, viễn thông, công nghệ thông tin, công nghệ số, chính phủ số, kỹ năng số... Vì vậy, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng xác định sẽ đi cùng nhịp với thế giới và chủ động trong việc phát triển hạ tầng số, trong đó có phát triển mạng di động băng rộng 5G tại Việt Nam.

Cũng tại hội thảo, ông Trần Đức Lai - Chủ tịch Hội Vô tuyến - Điện tử Việt Nam - cho biết, năm 2020, sau khi được Bộ Thông tin và Truyền thông cấp phép thử nghiệm, các đơn vị cung cấp dịch vụ viễn thông di động lớn tại Việt Nam đã triển khai thử nghiệm phát sóng mạng di động thế hệ mới 5G và đạt được một số kết quả tích cực. Dự kiến, từ năm 2021, Việt Nam sẽ triển khai mạng 5G trên diện rộng.