Ngày 20/10 tại Hà Nội, khoá đào tạo giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (ToT2 Hà Nội) dành cho 37 giảng viên đến từ 13 trường đại học khu vực phía Bắc chính thức được khai giảng.

Khóa đào tạo do Chương trình Đối tác Đổi mới sáng tạo Việt Nam - Phần Lan (IPP2) phối hợp với Đại học (ĐH) Bách Khoa Hà Nội và ĐH Ngoại thương tổ chức. Đây là hoạt động nằm trong khuôn khổ chương trình hợp tác của IPP2 với các đối tác tại Việt Nam nhằm nhân rộng các chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp cho các trường đại học, thúc đẩy phát triển hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam.

Các khóa đào tạo được thực hiện trên cơ sở chương trình đào tạo khung về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp do IPP2 phát triển cũng như một số chương trình liên quan từng được triển khai tại Phần Lan và Mỹ; trọng tâm là kiến thức, kỹ năng và công cụ về khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và phương pháp giảng dạy về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp.

Theo kế hoạch, trong giai đoạn 2017-2018, IPP2 triển khai hợp tác với các đơn vị của Việt Nam để nhân rộng các chương trình đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tương tự như ToT1 và ToT2. BK-Holdings (ĐH Bách Khoa Hà Nội) và FIIS (ĐH Ngoại thương) - hai trong số các đối tác đầu tiên được IPP2 chọn để chuyển giao các kiến thức liên quan tới quy trình thực hiện ToT1 và ToT2, tư vấn thiết kế chương trình đào tạo và cấp chứng nhận “Đơn vị tổ chức đào tạo về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”. Trên cơ sở đó, hai đơn vị có thể tiếp tục tự thực hiện các khóa đào tạo độc lập sau này.

Theo bà Trần Thị Thu Hương – Vụ trưởng, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Chương trình IPP2, trong hệ sinh thái đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp quốc gia, trường đại học đóng vai trò quan trọng. Đây là nơi cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao cho khu vực công nghiệp và xã hội, đóng góp vào sự gia tăng tài sản trí tuệ cho các doanh nghiệp. Lực lượng sinh viên với nhiều ý tưởng sáng tạo và tư duy mới cũng là đầu vào tiềm năng cho các dự án khởi nghiệp.

"Tôi hy vọng rằng cùng với các giảng viên nguồn được IPP2 đào tạo trước đây, các học viên, giảng viên nguồn được IPP2 phối hợp với ĐH Bách Khoa và ĐH Ngoại thương đào tạo trong khóa học này sẽ thực sự trở thành các tác nhân thay đổi của hệ sinh thái khởi nghiệp đổi mới sáng tạo của Việt Nam và các trường đại học; liên kết thành mạng lưới để nhân rộng, lan tỏ mạnh mẽ tri thức và văn hóa khởi nghiệp đổi mới sáng tạo trong cộng đồng", bà Hương chia sẻ.

Đại diện các đơn vị tham gia tổ chức khóa đào tạo.

PGS-TS Nguyễn Thế Khang – Phó Hiệu trưởng ĐH Bách khoa Hà Nội - cho biết, ĐH Bách khoa Hà Nội sẽ tích cực hỗ trợ các học viên hoàn thành khóa học. Ông kỳ vọng sau khóa học này, các học viên sẽ có những đóng góp quan trọng trong hệ sinh thái khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo Việt Nam; các trường ĐH sẽ cung cấp nguồn giảng viên chất lượng cao góp phần đổi mới tư duy, văn hóa đổi mới sáng tạo tại Việt Nam.

Đại diện ĐH Ngoại thương, PGS-TS Đào Thị Thu Giang - Phó Hiệu trưởng - nhấn mạnh: "ĐH Ngoại thương rất quan tâm đến vấn đề khởi nghiệp nghiệp đổi mới sáng tạo. Tôi mong muốn tạo ra cho các em sinh viên, các thầy cô giáo môi trường ươm tạo ý tưởng tốt và để các sản phẩm của doanh nghiệp ra được thị trường. Qua khóa học này, hy vọng có thể thay đổi tư duy về đào tạo khởi nghiệp đổi mới sáng tạo và lan tỏa tinh thần này cho xã hội".

Tham gia giảng dạy cho khóa đào tạo có 3 giảng viên quốc tế với nhiều năm kinh nghiệm giảng dạy và tư vấn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại nhiều quốc gia trên thế giới. Ngoài ra, 8 ngày Bootcamp của khóa ToT2 Hà Nội còn có nhiều diễn giả khách mời là doanh nhân khởi nghiệp, nhà đầu tư, chuyên gia xây dựng hệ sinh thái khởi nghiệp…

 Các học viên tham gia khóa học
Lãnh đạo các đơn vị cùng các học viên tham gia khóa học.

Trong giai đoạn từ 2015 đến nay, IPP2 đã thực hiện một số hoạt động xây dựng năng lực đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (ĐMST&KN) theo tiêu chuẩn quốc tế cho các cá nhân, tổ chức và trường đại học tại Việt Nam. IPP2 đã đào tạo và cấp chứng chỉ cho 12 chuyên gia tư vấn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (thuộc khóa ToT1), 61 giảng viên nguồn về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp (thuộc các khóa ToT2 và ToT-HCM) đến từ 17 trường đại học và cao đẳng trên toàn quốc.

Khoá ToT2 Hà Nội gồm 8 ngày đào tạo tập trung (Bootcamp), trong đó 5 ngày thực hiện tại BK-Holdings và 3 ngày tại FIIS. Sau Bootcamp, các học viên sẽ tham gia hoạt động thực hành kéo dài từ cuối tháng 10/2017 đến hết tháng 12/2017.

Chương trình Đối tác đổi mới sáng tạo Việt Nam – Phần Lan Giai đoạn 2 (IPP2) là một chương trình hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) được đồng tài trợ bởi Chính phủ Việt Nam và Chính phủ Phần Lan. Cơ quan chủ quản của IPP2 là Bộ Khoa học và Công nghệ (MOST) – đại diện phía Chính phủ Việt Nam và Bộ Ngoại giao Phần Lan – đại diện phía Chính phủ Phần Lan. Chương trình đang triển khai giai đoạn 2 từ năm 2014 đến năm 2018 với ngân sách 11 triệu euro. I

IPP2 hợp tác với nhiều đối tác quan trọng trong nước và quốc tế nhằm mở rộng quy mô các hoạt động đào tạo thực tế về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp tại Việt Nam cũng như cải thiện các chương trình, các cơ chế hỗ trợ ở địa phương đối với doanh nghiệp sáng tạo mới. IPP2 cũng thực hiện việc kết nối các thành phần của hệ sinh thái khởi nghiệp nhằm xây dựng một nền tảng vững chắc cho thế hệ doanh nhân Việt Nam tiếp theo, đồng thời thúc đẩy hợp tác về đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp giữa Việt Nam với các nước, đặc biệt là với Phần Lan.