Hơn 400 đại biểu là các chuyên gia về ung thư trong nước và nước ngoài, trong đó có 19 giáo sư, tiến sỹ từ các viện, trường lớn của Mỹ như Trung tâm Ung thư MD Anderson (Đại học Texas), Đại học Nam California đã tham dự hội nghị khoa học ung thư Việt - Mỹ năm 2017.

Hội nghị do Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 phối hợp với Trung tâm Nghiên cứu ung thư MD Anderson (Mỹ) và Chương trình Hỗ trợ bệnh nhân ung thư Salt Cancer Initiative (SCI) tổ chức tại Hà Nội trong hai ngày 5-6/9. Tại hội nghị, các chuyên gia trình bày những kết quả nghiên cứu và tiến bộ kỹ thuật mới nhất trong chẩn đoán, điều trị và nâng cao chất lượng sống cho bệnh nhân ung thư, bao gồm cả chống đau, phục hồi chức năng, dinh dưỡng, hỗ trợ cộng đồng...

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Ánh Tuyết
Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh phát biểu tại hội nghị.
Ảnh: Ánh Tuyết

Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Trần Quốc Khánh cho biết, thế giới cũng như Việt Nam đã và đang quan tâm đầu tư cho nghiên cứu khoa học nhằm tìm kiếm, ứng dụng các phương pháp chẩn đoán, điều trị và dự phòng ung thư hiệu quả.

“Tại Việt Nam, hoạt động nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ tiên tiến đã và đang được đẩy mạnh, thu hút sự quan tâm của nhiều nhà khoa học y học” - Thứ trưởng Trần Quốc Khánh khẳng định và cho biết, các bác sỹ Việt Nam đã làm chủ được nhiều quy trình kỹ thuật như PET/CT, công nghệ gene, công nghệ tế bào, liệu pháp miễn dịch, cắt - ghép, nút mạch, xạ trị, đốt sóng cao tần... để chẩn đoán và điều trị nhiều loại ung thư như gan, tụy, phổi, thực quản, dạ dày, da, vú, tử cung...

Mặc dù vậy, thứ trưởng cũng bày tỏ lo ngại về việc số ca ung thư tại Việt Nam và trên thế giới vẫn tiếp tục gia tăng: “Thực trạng này cho thấy cuộc chiến chống lại căn bệnh ung thư vẫn còn dài và đòi hỏi sự chung tay góp sức của toàn xã hội”.

PGS-TS Trần Văn Thuấn - Giám đốc Bệnh viện K, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phòng, chống ung thư - cho biết, các tiến bộ của ngành y và hiệu quả truyền thông để người dân đi khám, tầm soát bệnh, khả năng phát hiện ung thư ở Việt Nam đã được cải thiện. Tuy nhiên, số ca bệnh được phát hiện vẫn rất khiêm tốn khiến hiệu quả điều trị không cao như mong muốn.

Mỗi năm, nước ta phát hiện 126.000 ca ung thư mới và 94.000 người tử vong vì ung thư. Trong đó, phát hiện nhiều nhất là ung thư vú, phổi, tuyến tiền liệt, gan, đại trực tràng, cổ tử cung. Đa số bệnh nhân đến khám và điều trị ở giai đoạn rất muộn, trừ ung thư vú và ung thư cổ tử cung có vẻ đỡ muộn hơn. Đó chính là lý do khiến hiệu quả điều trị ung thư tại Việt Nam không cao như mong muốn, dù chi phí điều trị hết sức tốn kém.

Chỉ riêng trong năm 2012, chi phí điều trị 6 loại ung thư phổ biến tại Việt Nam (gan, tụy, phổi, thực quản, dạ dày, tử cung) đã chiếm tới 0,22% GDP của cả nước (tương đương 290 triệu USD) và chiếm 7,4% tổng chi bảo hiểm y tế của Việt Nam.

Ông Thuấn cũng cho biết, ở Việt Nam, số ca bệnh ung thư tuyến tiền liệt đang tăng nhanh: “Những năm trước, ung thư tuyến tiền liệt nằm ở top 20 nhưng đến năm 2010, bệnh này đã ngoi lên hàng thứ chín trong top 10 bệnh ung thư thường mắc của nam giới”. Ngoài ra, phổi và gan cũng là các bộ phận dễ bị ung thư nhất do tỷ lệ hút thuốc lá và nhiễm virus viêm gan B của người Việt Nam rất cao.