Ngày 28-29/11/2015, Hội nghị VCCA 2015 đã được tổ chức tại ĐH Thái Nguyên, với chủ đề: “Điều khiển và Tự động hóa cho sự phát triển bền vững vùng Tây Bắc”.

Hội nghị toàn quốc về điều khiển và tự động hóa 2015 (VCCA 2015) được Hội Tự động hóa Việt Nam phối hợp với Đại học Thái Nguyên và Viện Công nghệ thông tin (thuộc Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam) tổ chức. Bộ KH&CN, Bộ Công Thương, Ủy ban Nhân dân tỉnh Thái Nguyên, Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Việt Nam là các cơ quan bảo trợ của Hội nghị.

Hội nghị VCCA có mục tiêu tạo nên một diễn đàn khoa học với tầm cỡ quốc gia, có uy tín thuộc lĩnh vực Điều khiển và Tự động hóa.

Đây cũng là dịp để các nhà khoa học Việt Nam và quốc tế có thể giới thiệu kết quả các công trình nghiên cứu của mình, là dịp giao lưu, trao đổi kinh nghiệm học thuật cho những người công tác trong ngành. Đồng thời đây cũng là dịp gặp gỡ bốn nhà: Nhà quản lý, Nhà khoa học, Nhà doanh nghiệp và Nhà đầu tư nhằm phát triển và đưa công nghệ Điều khiển và Tự động hóa vào phục vụ sự phát triển của đất nước.
Ông Nguyễn Quân, Bộ trưởng Bộ KH&CN phát biểu tại Hội nghị.

Phát biểu tại Hội nghị Bộ trưởng Nguyễn Quân nhấn mạnh: "Có thể nói vai trò của ngành Tự động hóa càng ngày càng được khẳng định trong phát triển kinh tế xã hội cũng như sự nghiệp công nghiệp hóa hiện đại hóa đất nước. Tự động hóa là một trong 4 lĩnh vực công nghệ được ưu tiên trong phát triển công nghệ cao của Việt Nam. Khi chúng ta đứng trước ngưỡng cửa hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, chúng ta sẽ phải mở rộng thị trường đồng thời phải chấp nhận sự cạnh tranh rất sòng phẳng với các quốc gia trong khu vực và trên thế giới. Đây cũng là cơ hội lớn để công nghệ mới, công nghệ cao của các nước phát triển tràn vào Việt Nam".

Với 129 báo cáo khoa học (trong số 239 báo cáo gửi đến hội nghị) đã được duyệt và sẽ trình bày, cùng với các tham luận của các nhà quản lý doanh nghiệp sẽ làm nổi bật mối quan hệ chặt chẽ trong ngành Tự động hóa giữa lý thuyết và ứng dụng, đồng thời làm rõ sự gắn kết giữa các ngành công nghệ cao với nhau và với sản xuất kinh doanh phục vụ phát triển kinh tế, xã hội.

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Nguyễn Quân, Chủ tịch Hội Tự động hóa Việt Nam, Chủ tịch VCCA 2015 cho biết: “KH&CN cần góp phần giải quyết các vấn đề cụ thể. Vùng Tây Bắc đã và đang có tiềm năng phát triển nhiều ngành công nghiệp sản xuất - kinh doanh như sắt thép, công nghiệp khai khoáng, nông nghiệp, công nghiệp chế biến… Do đó, nhu cầu ứng dụng KH&CN tiên tiến cho khu vực này ngày càng cao. Hội nghị lần này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng cho khu vực, không chỉ khích lệ các nhà khoa học báo cáo các kết quả nghiên cứu, ứng dụng cho vùng mà còn tạo điều kiện để “4 Nhà” có cơ hội tiếp cận trao đổi, kết nối, hợp tác nhằm thúc đẩy sự phát triển kinh tế xã hội của vùng Tây Bắc nói riêng và của cả nước nói chung”.

Điểm mới của Hội nghị VCCA toàn quốc lần thứ ba là Diễn đàn doanh nghiệp, nơi có sự tham gia của các doanh nghiệp, các nhà khoa học, các nhà quản lý với mục tiêu xác định được nhu cầu cấp thiết về cải tiến và đổi mới công nghệ của thực tiễn sản xuất, để từ đó huy động các nhà khoa học của các trường đại học và các viện nghiên cứu trong và ngoài nước tham gia giải quyết các vấn đề này. Những kết luận của Hội nghị sẽ là các thông tin quan trọng giúp các cơ quan Nhà nước có các cơ chế, chính sách và đầu tư về KHCN cụ thể sát với yêu cầu của sản xuất, nhằm góp phần thúc đẩy công cuộc hiện đại hóa nền kinh tế nước nhà.

VCCA 2015 sẽ bao gồm 2 phần: Hội nghị khoa học tập hợp các công trình nghiên cứu trong lĩnh vực Điều khiển - Tự động hóa trong nước mới nhất trong 2 năm qua và diễn đàn Doanh nghiệp gồm các tham luận, tọa đàm với các mục tiêu như đã nêu ở trên.

Trong khuôn khổ Diễn dàn doanh nghiệp sẽ diễn ra lễ ký kết các thỏa thuận hợp tác, đồng hành, phối hợp giữa các tổ chức và đơn vị. Đồng thời các doanh nghiệp cũng có cơ hội trưng bày, giới thiệu năng lực và các dòng sản phẩm công nghệ của mình.
Lễ ký kết hợp đồng chuyển giao công nghệ và các văn bản thỏa thuận giữa các nhà khoa học, doanh nghiệp và đại diện Hội tự động hóa Việt Nam.

Để hội nhập khu vực và thế giới, ngay từ Hội nghị VCCA đầu tiên, ngoài việc xây dựng các trang web quảng bá, Hội nghị VCCA đã mạnh dạn áp dụng hình thức quản lý, tiếp nhận bài và tổ chức công tác phản biện qua mạng Internet trao đổi thông tin tới từng tác giả và ủy viên phản biện thông qua phần mềm quản lý hội khị khoa học đạt chuẩn quốc tế - EasyChair. Đến nay đã có hàng nghìn hội nghị khoa học của thế giới đã được tổ chức với sự hỗ trợ của EasyChair.