Sau gần 4 tháng phát động, Ban Bí thư Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh vừa quyết định trao Giải thưởng KHCN Quả cầu vàng năm 2022 cho 10 tài năng trẻ xuất sắc nhất.

Trong đó, lĩnh vực CNTT, chuyển đổi số và tự động hóa chiếm 3 giải; công nghệ y-dược - 2 giải; công nghệ sinh học - 1 giải; công nghệ môi trường - 2 giải; và công nghệ vật liệu mới - 2 giải. Người trẻ tuổi nhất nhận giải sinh năm 1992.

Mỗi cá nhân đoạt Giải thưởng được nhận Huy hiệu "Tuổi trẻ sáng tạo" của Ban Chấp hành Trung ương Đoàn, Cúp Quả cầu vàng, giấy chứng nhận đoạt giải, và phần thưởng tiền mặt kèm theo.

Tham gia xét Giải thưởng năm nay có 28 nam, 9 nữ; 29 tiến sĩ, 6 thạc sĩ và 2 cử nhân; ứng viên nhỏ tuổi nhất sinh năm 1998 (24 tuổi); 10 ứng viên đang học tập, nghiên cứu và làm việc ở nước ngoài (Hàn Quốc, Nga, Mỹ, Anh).

Bên cạnh đó, ban tổ chức sẽ trao phần thưởng cho 20 nữ sinh viên tiêu biểu có thành tích học tập, nghiên cứu xuất sắc ở 4 lĩnh vực: công nghệ thông tin, điện, điện tử, và cơ khí.

Giải thưởng do Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh phối hợp với Bộ KH&CN tổ chức thường niên từ năm 2003 nhằm phát hiện, tôn vinh tài năng trẻ Việt Nam không quá 35 tuổi.

Danh sách 10 tài năng trẻ đạt giải thưởng khoa học Quả cầu vàng 2022:

1. Lĩnh vực công nghệ thông tin, chuyển đổi số và tự động hóa
  • TS Lương Văn Thiện (1992), giảng viên Khoa Công nghệ Thông tin, Trưởng nhóm nghiên cứu AloT Lab, Trường ĐH Phenikaa.
Tác giả chính bài báo "Deep Learning-Aided Optical IM/DD OFDM Approaches the Throughput of RF-OFDM". Đây là công trình lần đầu tiên trên thế giới áp dụng thành công mạng nơ-ron học sâu vào trong miền tín hiệu thời gian của hệ thống thông tin quang dựa trên kỹ thuật phân chia theo tần số sóng mang trực giao (0FDM), giúp tăng gấp đôi tốc độ truyền dữ liệu và giảm đáng kể tỉ lệ lỗi bit (BER) và tỷ số công suất trung bình (PAPR) (chỉ số này cao sẽ làm biến dạng tín hiệu).
  • TS Lê Thanh Long (1988), ​giảng viên Khoa Cơ khí, Trường ĐH Bách khoa, Đại học Quốc gia TPHCM

Chủ nhiệm đề tài NAFOSTED “Nghiên cứu sự chuyển động mao dẫn nhiệt của chất lỏng trong kênh dẫn micro dưới tác dụng của nguồn nhiệt laser". Công trình nghiên cứu cung cấp một phương pháp mới để điều khiển linh hoạt giọt chất lỏng trong kênh dẫn vi lưu là dùng nhiệt phát ra từ laser. Việc tìm ra phương pháp mới có ý nghĩa quan trọng trong việc phát triển các thiết bị chip điện tử dùng trong công nghệ nano, hệ thống vi cơ điện tử MEMS và lĩnh vực tự động hóa.
  • TS Lê Phạm Tuyên (1990), Trưởng nhóm nghiên cứu giải thuật, Phòng nghiên cứu và phát triển, Công ty AgileSoDA, Hàn Quốc.
Tác giả chính bài báo "Importance sampling policy gradient algorithms in reproducing kernel hilbert space". Bài báo nghiên cứu và đề xuất thuật toán học tăng cường với với trọng tâm là tận dụng những đặc điểm của không gian Hilbert trong việc mô hình hóa các quy tắc hướng dẫn. Bài báo cũng đề xuất một kỹ thuật giúp cải thiện tính hiệu quả trong việc sử dụng dữ liệu huấn luyện.

2. Lĩnh vực công nghệ y - dược
  • TS Trần Ngọc Đăng(1988), Phó giám đốc Trung tâm Hỗ trợ dự án và đổi mới sáng tạo, Trường ĐH Y Dược TPHCM
Tác giả chính bài báo: "Main and added effects of heatwaves on hospitalizations for mental and behavioral disorders in a tropical megacity of Vietnam". Kết quả nghiên cứu có thể giúp nâng cao việc dự phòng và giảm thiểu các tác động bất lợi của các đợt nắng nóng tại TPHCM đến sức khỏe cộng đồng, đặc biệt là tới những người cao tuổi.

  • TS Phan Lê Minh Tú (1989), Phó Trưởng bộ môn Y học Chức năng - Xét nghiệm y học, Khoa Y - Dược, ĐH Đà Nẵng
Tác giả chính bài báo "Xét nghiệm miễn dịch điểm chấm dùng nano vàng đồng để phát hiện kháng nguyên CFP-10 đặc hiệu của bệnh lao bằng mắt thường". Nghiên cứu đưa ra một phương pháp xét nghiệm mới với chi phí thấp nhưng cho hiệu quả cao mà không cần thiết bị đắt tiền để chẩn đoán sớm bệnh lao. Kết quả này có tiềm năng ứng dụng ở các nước đang phát triển như Việt Nam.

3. Lĩnh vực công nghệ sinh học
  • TS Chu Đức Hà (1988), giảng viên Khoa Công nghệ nông nghiệp, Trường ĐH Công nghệ, ĐH Quốc gia Hà Nội
Tác giả chính bài báo: "Genome-Wide Analysis of Genes Encoding Methionine-Rich Proteins in Arabidopsis and Soybean Suggesting Their Roles in the Adaptation of Plants to Abiotic Stress". Các kết quả thu được từ nghiên cứu này đã được ứng dụng nhằm đề xuất các gen ứng viên có khả năng đáp ứng đa yếu tố bất thuận cho phân tích chức năng gen, đồng thời mở ra một cơ chế cải thiện chất lượng protein (hàm lượng amino acid) ở cây trồng.

4. Lĩnh vực công nghệ môi trường
  • TS Trương Lâm Sơn Hải (1987), giảng viên Khoa Hóa học, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH Quốc gia TPHCM
Tác giả chính bài báo: "Nghiên cứu động học hình thành/phân hủy của methane hydrate bằng quang phổ Raman". Nghiên cứu đã chế tạo thành công hệ phản ứng ghép nối ba thiết bị Raman đo trực tiếp trong bình phản ứng nhằm nghiên cứu động học của sự hình thành và phân hủy của methane hydrate, giúp hiểu rõ hơn về đặc tính của methane hydrate, từ đó góp phần hạn chế sự ảnh hưởng của methane thất thoát ra môi trường.

  • TS Nguyễn Duy Đạt(1988), giảng viên Khoa Công nghệ hóa học và thực phẩm, Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TPHCM

Tác giả chính bài báo: "Sự hình thành và loại bỏ Polychlorinated Napthalenes (PCNs) trong hệ thống xử lý khí thải của quá trình luyện kim và lò đốt chất thải rắn đô thị". Nghiên cứu chủ yếu tập trung vào phát triển phương pháp phân tích, tầm soát, đánh giá sự hình thành của một nhóm chất PCNs trong các nguồn nhiệt độ cao (luyện kim và đốt chất thải rắn). Kết quả đưa ra các công nghệ xử lý khí thải phù hợp cho xử lý đồng thời nhiều loại chất ô nhiễm khác nhau, và có thể ứng dụng cho nhiều ngành nghề.

5. Lĩnh vực công nghệ vật liệu mới
  • TS Lê Thị Phương(1988), nghiên cứu viên Viện Khoa học - Vật liệu ứng dụng, Viện Hàn lâm KH&CN Việt Nam
Tác giả chính bài báo: "Calcium Peroxide-Mediated In Situ Formation of Multifunctional Hydrogels with Enhanced Mesenchymal Stem Cell Behaviors and Antibacterial Properties". Nghiên cứu cung cấp một hệ hydrogel đa chức năng có thể ứng dụng trong tái tạo mô hoặc điều trị các bệnh liên quan đến xương khớp. Kết quả này có tiềm năng trong kỹ thuật tái tạo xương.
  • TS Trần Thị Như Hoa(1989), giảng viên Khoa Khoa học và Công nghệ Vật liệu, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia TPHCM
Tác giả chính bài báo: "Sử dụng phương pháp tích hợp ghép thuốc nhuộm huỳnh quang với hạt nano bạc trên bề mặt lõi sợi quang để nâng cao tỷ lệ tín hiệu nhiễu". Công trình này kết hợp kỹ thuật ghép nối quang học phân tử thuốc nhuộm với hạt nano bạc trên nền sợi quang để phát hiện huỳnh quang, sử dụng trường điện từ gần của trạng thái kích thích các phân tử thuốc nhuộm hữu cơ, cho phép ánh sáng được dẫn truyền qua sợi quang để phát hiện các phân tử DNA oligonucleotides ở nồng độ thấp (0.02 pm/uL).