Nhóm nghiên cứu của Phòng thí nghiệm Hóa lý ứng dụng, Đại học Khoa học tự nhiên TPHCM, đã nghiên cứu và sản xuất thành công pin sạc Li-ion từ vỏ trấu, mở ra hướng đi mới trong việc sử dụng vỏ trấu thay thế vật liệu cacbon graphite trong sản xuất pin sạc.

Vũ Tấn Phát, nghiên cứu viên Phòng thí nghiệm Hóa lý ứng dụng, cho biết, vỏ trấu sau khi được lấy từ huyện Tân Trụ, tỉnh Long An, được xử lý tổng hợp bằng quá trình nung khí trơ đặc biệt. Sản phẩm thu được của quá trình này là vật liệu silica phủ cacbon có cấu trúc xốp, phù hợp để sử dụng cho cực âm pin sạc Li-ion. Với vật liệu tổng hợp được, nhóm tiến hành sản xuất pin sạc cúc áo hoàn chỉnh. Qua thử nghiệm, cho thấy dung lượng của pin đạt khoảng 2.500 mAh/g so với vật liệu cacbon graphite thông dụng hiện tại là 300 mAh/g; pin hoạt động ổn định, có thể thay thế hoàn toàn vật liệu cacbon graphite khai thác từ nguồn nguyên liệu hóa thạch là than đá.

Pin cúc áo được sản xuất từ vỏ trấu
Pin cúc áo được sản xuất từ vỏ trấu Ảnh: VTP

“Đặc biệt, quy trình tổng hợp vật liệu khá dễ dàng để có thể mở rộng quy mô sản xuất với nguyên liệu rẻ tiền, sẵn có. Toàn bộ tro trấu sau khi nung đều được sử dụng, không sản sinh sản phẩm thải. Vì vậy, với quy trình tổng hợp này, sản phẩm có giá thành rẻ hơn so với việc dùng cacbon graphite và không tác hại đến môi trường” – ông Phát nói.

Trong tương lai, vật liệu có thể phát triển trên mô hình pin túi chuyên dụng trong các thiết bị như: điện thoại, laptop, ... hay các thiết bị cần sử dụng lưu trữ năng lượng - theo ông Phát.

Hiện nay sản phẩm của dự án mà nhóm nghiên cứu thực hiện đang còn ở quy mô phòng thí nghiệm. Để thương mại hóa, dự án cần được đầu tư xây dựng một dây chuyền sản xuất hoàn chỉnh.

Phòng thí nghiệm Hóa lý Ứng dụng là Phòng thí nghiệm trọng điểm của Đại học Quốc gia TPHCM, tiên phong trong việc nghiên cứu và lắp ráp các dòng pin sạc đầu tiên ở Việt Nam. Trước đó, Phòng đã thực nghiên đề tài nghiên cứu lắp ráp mô hình pin cúc áo từ A - Z được Sở Khoa học và Công nghệ TPHCM nghiệm thu mới đây.