Úc sẽ hỗ trợ 6 dự án thử nghiệm và thí điểm các cách tiếp cận mới với mục tiêu giảm rào cản gia nhập thị trường carbon cho các nhà sản xuất Việt Nam.

Chương trình Nền tảng Đối tác Kinh doanh (BPP) của Bộ Ngoại giao và Thương mại Úc (DFAT) hỗ trợ cho các dự án 3,3 triệu AUD. Ngoài ra, các dự án có thể tận dụng hơn 3,7 triệu AUD vốn đầu tư và nguồn lực từ khu vực tư nhân.

Đại diện của sáu dự án quan hệ đối tác vừa được công bố ngày 29/11/2022. Nguồn: ĐSQ Úc

6 dự án quan hệ đối tác được công bố ngày 29/11 gồm:

1. Khuyến khích sản xuất lúa gạo phát thải thấp thông qua công nghệ vệ tinh - hợp tác giữa CarbonFarm Technology, Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, Rikolto và DFAT để đào tạo và hỗ trợ các đơn vị sản xuất lúa gạo chuyển sang thực hành phát thải thấp hơn. Quan hệ đối tác này cũng sẽ thí điểm giải pháp Đo lường, Báo cáo và Xác minh dựa vào vệ tinh đầu tiên trên thế giới cho lúa gạo, tận dụng những tiến bộ trong công nghệ viễn thám để phát hiện các thực hành bền vững và ước tính chính xác mức giảm phát thải. Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế đang cung cấp tư vấn khoa học và hỗ trợ kiểm soát dữ liệu tại chỗ để đảm bảo dự án đạt được mức giảm phát thải mong muốn.

2. Mở rộng tiếp cận thị trường carbon cho các nhà sản xuất lúa gạo bền vững - hợp tác giữa Viện Nghiên cứu Lúa gạo Quốc tế, Gold Standard và DFAT để xây dựng phương pháp mới nhằm tạo ra tín chỉ carbon từ sản xuất lúa gạo. Sáng kiến này sẽ tạo ra nền tảng số giúp đơn giản hóa quá trình đăng ký và đánh giá các dự án giảm phát thải, cho phép các nhà sản xuất lúa gạo quy mô nhỏ tham gia thị trường carbon.

3. Thúc đẩy các dự án carbon dựa vào thiên nhiên - hợp tác giữa NatureCo, One Tree Planted, Trung tâm Bảo tồn Thiên nhiên và Phát triển, Cooper Energy và DFAT để nhận diện cơ hội thực hiện các Giải pháp Dựa vào Thiên nhiên (NbS) trên cả nước, phối hợp với các tổ chức địa phương để xây dựng kỹ năng carbon và phát triển một dự án NbS thí điểm tập trung giảm thiểu carbon thông qua trồng rừng. Những bài học thu được sẽ được sử dụng để xây dựng bộ công cụ và tạo đà cho tăng trưởng đầu tư vào NbS tại Việt Nam.

4. Trồng cây vùng cao để tạo thu nhập và hấp thụ carbon - hợp tác giữa Greenfield Consulting and Development, Đại học Queensland, Trung tâm Khoa học Lâm nghiệp Tây Bắc Việt Nam và DFAT để tạo ra tín chỉ carbon bằng cách trồng cây lấy gỗ và cây đa năng (lấy trái cây và gỗ) trên đất dốc ở tỉnh Sơn La, Việt Nam. Dự án đặt mục tiêu trồng 100.000 cây xanh và làm giảm ít nhất 300.000 tấn carbon quy đổi thành tín chỉ, cải thiện sinh kế địa phương và môi trường.

5. Than sinh học loại bỏ carbon và cải thiện sinh kế – hợp tác giữa Biocare Projects, EnergyLink Services, Đại học Adelaide, Đại học Bách khoa TPHCM, Mai Anh Đồng Tháp và DFAT để sản xuất than sinh học ở đồng bằng sông Cửu Long. Mục tiêu của dự án là loại bỏ khoảng 15.000 tấn CO2 quy đổi hằng năm, tạo ra nguồn thu nhập mới cho cộng đồng địa phương thông qua tín chỉ carbon và mua nguyên liệu sinh khối.

6. Thúc đẩy các giải pháp dựa vào thiên nhiên thông qua các dự án trồng rừng carbon – hợp tác giữa South Pole, Công ty cổ phần Tư vấn xây dựng năng lượng và môi trường Việt Nam (VNEEC) và DFAT để phát triển các dự án carbon dựa vào thiên nhiên tại Việt Nam. Quan hệ đối tác sẽ hoạt động để tăng cường năng lực cho các cá nhân và tổ chức trong việc triển khai các dự án carbon, thông qua hỗ trợ và đào tạo. Mục tiêu là tạo ra nền tảng bền vững cho quản lý rừng và các dự án carbon trong tương lai.

Kể từ năm 2016, chương trình BPP đã hỗ trợ 52 dự án hợp tác tại 18 quốc gia.

Nguồn:

ĐSQ Úc