Ngày 25/4, Bộ KH&CN phối hợp với UBND TP Hà Nội đồng tổ chức lễ hưởng ứng Ngày Sở hữu trí tuệ Thế giới năm 2025 với chủ đề “Sở hữu trí tuệ và âm nhạc - Cảm nhận nhịp điệu của sở hữu trí tuệ”.
Phát biểu tại sự kiện, Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ Lưu Hoàng Long nhấn mạnh thông điệp của Ngày Sở hữu trí tuệ năm nay nhắc nhở chúng ta suy nghĩ sâu sắc hơn về vai trò của sở hữu trí tuệ vừa như động lực thúc đẩy sáng tạo và tăng trưởng kinh tế, vừa như công cụ bảo vệ các kho tàng nghệ thuật của nhân loại”, ông Lưu Hoàng Long nói.
Ông Long dẫn báo cáo từ Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và Brand Finance cho thấy các tập đoàn hàng đầu thế giới với giá trị hàng nghìn tỉ USD đều dựa trên tài sản trí tuệ, từ sáng chế, nhãn hiệu, đến bí mật kinh doanh và phần mềm… “Đây là bằng chứng rõ ràng rằng, trong kỷ nguyên số, tài sản vô hình, đặc biệt là sở hữu trí tuệ, chính là chìa khóa cho sự phát triển bứt phá nhờ khoa học công nghệ”, ông nói.
Theo ông Long, Đảng và Nhà nước ta đã xác định khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là những trụ cột chiến lược để đưa đất nước vươn lên trở thành quốc gia phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, khi nước Việt Nam tròn 100 năm tuổi. Trong tất cả các trụ cột này, sở hữu trí tuệ đều đóng vai trò then chốt.
Đồng thời, ông Long cho biết, dưới sự chỉ đạo của Bộ KH&CN, Cục Sở hữu trí tuệ đã và đang tích cực phối hợp cùng các cơ quan, bộ, ngành liên quan tổ chức các chương trình nâng cao nhận thức về sở hữu trí tuệ, hỗ trợ cộng đồng hiểu rõ hơn về quyền và nghĩa vụ của mình trong việc bảo vệ tài sản trí tuệ.
Trong thời gian tới, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách; thúc đẩy giáo dục và phổ biến kiến thức sở hữu trí tuệ trong trường học, viện nghiên cứu và doanh nghiệp; hỗ trợ bảo hộ, thương mại hóa tài sản trí tuệ...
“Chúng ta hãy cùng nhau lan tỏa giá trị của sở hữu trí tuệ - như một nhịp đập không ngừng của sự phát triển”, ông Long kết luận.
Ngày Sở hữu trí tuệ thế giới 26/4 do Tổ chức Sở hữu Trí tuệ Thế giới (WIPO) thiết lập từ năm 2000 để “nâng cao nhận thức về cách mà bằng sáng chế, quyền tác giả, thương hiệu và thiết kế tác động đến cuộc sống hằng ngày” và “để biểu dương tính sáng tạo, sự đóng góp của những người sáng tạo và những người đổi mới vào việc phát triển các xã hội trên toàn cầu”. 26/4 được chọn vì đây là ngày Công ước thiết lập Tổ chức Sở hữu Trí tuệ thế giới bắt đầu có hiệu lực vào năm 1970.
Tin đăng KH&PT số 1342 (số 18/2025)