Báo cáo nghiên cứu, khảo sát an ninh mạng 2024 do Ban Công nghệ, Hiệp hội An ninh mạng quốc gia, thực hiện vào tháng 12/2024 với sự tham gia của hơn 59.000 người, cho biết, cứ 220 người dùng điện thoại thông minh thì có một người là nạn nhân của lừa đảo, thiệt hại ước tính trong năm lên đến 18.900 tỷ đồng.

Hình thức tấn công người dùng của các đối tượng lừa đảo rất đa dạng và tinh vi. Trong đó, ba hình thức phổ biến nhất gồm: dụ dỗ người dùng tham gia các chiêu trò đầu tư giả, hứa hẹn lợi nhuận cao; giả mạo danh tính cơ quan, tổ chức; lừa thông báo trúng thưởng, khuyến mãi lớn - với tỷ lệ người dùng gặp phải lần lượt là gần 71%, khoảng 62%, và 60%.
Bên cạnh các kịch bản tinh vi, các đối tượng lừa đảo đã sử dụng nhiều công nghệ hiện đại như: công nghệ trí tuệ nhân tạo Deepfake để tạo video, giọng nói giả mạo; ứng dụng công cụ tự động (chatbot) để giao tiếp liên tục với nạn nhân; dùng phần mềm chuyên dụng trên máy tính để thực hiện cuộc gọi viễn thông, tiếp cận nhiều người cùng lúc…
Theo khảo sát, số nạn nhân lấy lại được tiền bị lừa rất nhỏ.
Các chuyên gia dự báo, năm 2025 sẽ tiếp tục chứng kiến sự bùng nổ của các công nghệ mới như AI, blockchain, điện toán lượng tử. Các mã độc sẽ có khả năng tự nâng cấp, công nghệ Deepfake được cải tiến và các công cụ AI tạo sinh khác sẽ giúp kẻ xấu tạo nội dung giả mạo khó lường hơn. Do đó, người dùng cá nhân cần trang bị kiến thức, sử dụng các công cụ bảo mật tiên tiến và cẩn trọng hơn trong việc chia sẻ thông tin trên không gian mạng.
Tin đăng KH&PT số 1323 (số 51/2024)
Quế Dương