Tình trạng trồng rau một luống để ăn, một luống để bán giảm hẳn, thậm chí “thành một phong trào cách mạng trong nông thôn”, sau 3 năm tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm theo các Chỉ thị của Thủ tướng Chính phủ và Quốc hội.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị. Ảnh: TTXVN.

Đó là nhận định của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm (ATTP) ngày 11/1, được tổ chức khi còn gần hai tuần nữa là đến Tết Nguyên đán nhằm quán triệt, tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm.

Đến dự hội nghị còn có Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam, Trưởng Ban chỉ đạo liên ngành trung ương về vệ sinh an toàn thực phẩm; Bộ trưởng Bộ KH&CN Chu Ngọc Anh; lãnh đạo, đại diện lãnh đạo các bộ, ngành trung ương và các tỉnh thành từ 63 điểm cầu trên cả nước.

Cùng trên một thửa vườn, tình trạng người nông dân trồng một luống rau sạch để gia đình ăn; một luống sử dụng thuốc trừ sâu, chất kích thích có hại để bán ra thị trường không còn xa lạ. Tương tự, có lợn được nuôi bằng cám, chuồng lợn bên cạnh thì nuôi bằng thức ăn tăng trọng, chất tạo nạc nguy hại.

Nhờ "tinh thần chỉ đạo quyết liệt và hành động không nhân nhượng các hành vi vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành đã có nhiều chuyển biến rõ rệt”, hiện tượng “lợn hai chuồng, rau hai luống” này đã giảm hẳn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Bên cạnh đó, nhờ xử lý quyết liệt, mạnh tay mà nhiều vấn đề nóng, bức xúc về an toàn thực phẩm, như “sử dụng hóa chất cấm, thuốc bảo vệ thực vật… đã hạ nhiệt”. Theo Thủ tướng, phải xử lý nghiêm những vi phạm an toàn thực phẩm, không được bỏ qua một vụ việc nào.

Thủ tướng cũng đánh giá cao các tỉnh, thành phố đã ban hành chỉ thị, kế hoạch, giải pháp cụ thể trong lãnh đạo, chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm đến tận cấp xã, từ đó tạo sự chuyển biến từ cơ sở, từ người sản xuất.

Thủ tướng đặc biệt hoan nghênh Bộ Công an đã phá được vụ buôn lậu thuốc bắc giả, gây nguy hại đến sức khỏe nhân dân, ngoài ra cần phải xử lý nghiêm các vụ hàng giả, kém chất lượng nhập lậu qua biên giới…

Theo báo cáo kết quả công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm giai đoạn 2016-2019 của Bộ Y tế, từ năm 2017 đến 2019, số cơ sở được thanh tra, kiểm tra trung bình/năm là 712.960 cơ sở (tăng 21,9% so với giai đoạn 2011-2016); số cơ sở bị xử lý trung bình/năm là 55.207 cơ sở (tăng 50,5%); số tiền xử phạt trung bình/năm là 187,8 tỷ đồng (tăng gấp 3,1 lần). Điều đó cho thấy hoạt động thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được triển khai đồng bộ, quyết liệt từ trung ương đến địa phương, có sự vào cuộc của các cấp, các ngành chức năng và các đoàn thể theo các chương trình phối hợp, nhất là trong các dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán, mùa du lịch, lễ hội… Chế tài xử lý vi phạm đã tăng cao.

Đặc biệt, sau 3 năm thực hiện Chỉ thị số 13/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, cơ quan chức năng đã khởi tố 28 vụ với 42 bị can về tội vi phạm các quy định về an toàn thực phẩm và buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm.


Quang cảnh Hội nghị trực tuyến toàn quốc về an toàn thực phẩm. Ảnh: chinhphu.vn

Bên cạnh những kết quả khả quan đạt được, Thủ tướng lưu ý về những thách thức vẫn còn tồn tại trong công tác bảo đảm an toàn thực phẩm. Thách thức lớn nhất là “sản xuất nhỏ lẻ (với trên 8 triệu hộ) mang nhiều nguy cơ về an toàn thực phẩm, nhất là các thói quen, tập quán canh tác, sản xuất, mua bán, tiêu dùng nhỏ lẻ... đòi hỏi phải tiếp tục tuyên truyền vận động và nhất là thúc đẩy việc hợp tác, liên kết sản xuất quy mô lớn, chuyên canh, áp dụng quy trình tiên tiến.” Ngoài ra, việc kiểm soát giết mổ gia súc, gia cầm, đặc biệt là các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ, trong khu dân cư không đảm bảo an toàn thực phẩm vẫn hết sức khó khăn. Thói quen lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, tình trạng thuốc bảo vệ thực vật không bảo đảm chất lượng, không rõ nguồn gốc vẫn còn.

Đề cập định hướng, giải pháp quản lý trong thời gian tới, Thủ tướng nhấn mạnh trách nhiệm của toàn xã hội, của cả hệ thống chính trị, trực tiếp là Chính phủ, chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng trong công tác bảo đảm ATTP. Cần tăng cường kết nối, chia sẻ thông tin về ATTP, trước hết là trong nội bộ các cơ quan nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tạo công cụ nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước và phục vụ cộng đồng trong truy xuất nguồn gốc thực phẩm trên thị trường.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khảo sát mô hình trồng rau sạch tại tỉnh Hưng Yên. Ảnh: Chí Tuệ.

Tại Hội nghị, các bộ, cơ quan liên quan cũng cho biết định hướng và kế hoạch của mình trong tương lai. Cụ thể, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tăng cường kiểm tra, giám sát, quản lý chặt chẽ việc sản xuất, kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật, thuốc thú ý, thức ăn chăn nuôi gắn liền với bảo vệ môi trường. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ/ngành nhân rộng mô hình chuỗi kinh doanh thực phẩm có kiểm soát, giảm dần tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng ở các chợ dân sinh, chợ tự phát, chợ cóc, chợ tạm, tăng dần tỷ lệ thực phẩm tiêu dùng trong các siêu thị, chợ có kiểm soát ATTP. Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Công Thương tăng cường công tác thanh tra, quản lý chặt chẽ việc quảng cáo kinh doanh thực phẩm bảo vệ sức khỏe, xử lý nghiêm các vi phạm quy định về quảng cáo thực phẩm bảo vệ sức khỏe…

“Năm 2020 phải có những chuyển biến thực chất, rõ nét hơn nữa về công tác an toàn thực phẩm ở tất cả các cấp” – Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh.

Kết thúc hội nghị, Thủ tướng đề nghị Văn phòng Chính phủ tập hợp, hoàn thiện các ý kiến để trình Thủ tướng ban hành Chỉ thị về tiếp tục tăng cường trách nhiệm quản lý nhà nước đối với ATTP trong tình hình mới.